Đơn giản hóa thủ tục kinh doanh vận tải bằng ô tô

Ngày 17/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2020 và thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP. So với Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP có một số điểm mới về điều kiện, thủ tục kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Thứ nhất, không còn quy định điều kiện về số lượng xe tối thiểu của đơn vị kinh doanh vận tải.

Số lượng xe tối thiểu của doanh nghiệp, hợp tác xã là một trong số các điều kiện để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được quy định trong Nghị định số 86/2014/NĐ-CP. Theo đó, tại các Điều 15, 16, 17, 18, 19 quy định số lượng xe tối thiểu đối với các loại hình vận tải như sau:

- Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300 km trở lên, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải có tối thiểu 20 xe đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương, tối thiểu 10 xe đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại, riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ phải có tối thiểu 05 xe;

- Đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi phải có tối thiểu 10 xe, đối với đô thị loại đặc biệt phải có tối thiểu 50 xe;

- Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch vận chuyển hành khách trên hành trình có cự ly từ 300 km trở lên, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa sử dụng xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe ô tô vận tải hàng hóa trên hành trình có cự ly từ 300 km trở lên phải có tối thiểu 10 xe đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương, tối thiểu 05 xe đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại, riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ tối thiểu 03 xe.

Tuy nhiên, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP không còn quy định về điều kiện này.

Thứ hai, giảm một nửa số giấy tờ đề nghị cấp phép kinh doanh vận tải

Hiện nay, Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh bao gồm 06 loại giấy tờ, bao gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu do Bộ Giao thông vận tải quy định; Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành vận tải; Phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ); Bản đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải (đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi).

Sửa đổi quy định này, Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP đã cắt giảm 50% thành phần hồ sơ, chỉ còn lại 03 loại giấy tờ, bao gồm: Giấy đề nghị; Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải; Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử).

Tương tự, các thủ tục khác quy định tại Điều 18 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP cũng được cắt giảm đáng kể thành phần hồ sơ so với quy định tại Điều 21 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, cụ thể: thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh do thay đổi nội dung của Giấy phép kinh doanh được cắt giảm 1/3 thành phần hồ sơ. Đặc biệt, thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh do bị mất hoặc bị hư hỏng được cắt giảm 1/2 thành phần hồ sơ, chỉ còn Đơn đề nghị cấp lại, việc bỏ thành phần văn bản có xác nhận của Công an cấp xã nơi đơn vị kinh doanh vận tải trình báo mất Giấy phép kinh doanh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị kinh doanh.

Thứ ba, giảm thời gian giải quyết thủ tục cấp phép kinh doanh vận tải

So với Nghị định số 86/2014/NĐ-CP (tại Điều 22), Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (tại Điều 19) vẫn giữ nguyên thời gian giải quyết thủ tục cấp phép kinh doanh, cấp lại Giấy phép kinh doanh khi có sự thay đổi liên quan đến nội dung của Giấy phép kinh doanh là 05 ngày làm việc; tuy nhiên, đối với các thủ tục khác thì đã cắt giảm mạnh thời gian giải quyết, trong đó, thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh đối với trường hợp Giấy phép kinh doanh bị mất, bị hỏng giảm còn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định (hiện nay, thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh đối với trường hợp bị mất là 30 ngày làm việc, trường hợp Giấy phép bị hư hỏng là 05 ngày làm việc).

Như vậy, những quy định trên sẽ tạo thuận tiện, đơn giản, giảm chi phí đi lại, giảm thời gian chờ đợi cho đơn vị kinh doanh vận tải, phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính đang được thực hiện mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay./.

Hạnh Ngân

 TIN TỨC LIÊN QUAN