Sửa đổi quy định về trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án dân sự

        Đó là nội dung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

        Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Cụ thể, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung đối với các khoản thuộc diện chủ động thi hành trong một bản án, quyết định, trừ các trường hợp: Có người được trả lại tiền, tài sản thì ra một quyết định thi hành án đối với người đó; Có người phải thi hành nhiều khoản khác nhau thì ra một quyết định thi hành án đối với người đó; Một người vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ thì ra một quyết định thi hành án đối với người đó thay vì quy định hiện hành chỉ có 02 trường hợp là trong một bản án, quyết định có khoản chủ động về trả lại tiền, tài sản thì ra một quyết định thi hành án đối với mỗi người được thi hành án và trường hợp trong một bản án, quyết định có nhiều người phải thi hành nhiều khoản chủ động khác nhau thì ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc điện chủ động thi hành án đối với mỗi người phải thi hành án.

        Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thi hành án đối với khoản tiền, tài sản thuộc sở hữu nhà nước không yêu cầu thi hành án thì cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án. Nghị định mới đã bổ sung thêm cơ quan đại diện chủ sở hữu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vào đối tượng có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án.

        Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2020./.

Thanh Hoa

 TIN TỨC LIÊN QUAN