Chuyến thăm Hà Tĩnh ngày 15/6/1957 của Bác Hồ

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, theo dõi từng bước trưởng thành của phong trào cách mạng ở Hà Tĩnh. Ngày 15 tháng 6 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Hà Tĩnh. Chuyến thăm và làm việc của Bác Hồ tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh.

Vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 15/6/1957, đoàn xe của Bác vào đến thị xã Hà Tĩnh. Đông đảo các tầng lớp Nhân dân đứng hai bên đường phố Phan Đình Phùng phấn khởi, vui mừng vỗ tay đón Bác. Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Uỷ viên Bộ Chính trị, đồng chí Trần Quốc Hoàn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Hoàng Văn Diện - Uỷ viên Thường vụ Khu uỷ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Liên Khu 4.

Bác đã đến nói chuyện với Hội nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Tại Hội nghị, Bác đã biểu dương những đóng góp to lớn của Nhân dân Hà Tĩnh trong 9 năm kháng chiến và trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội từ sau ngày hoà bình lập lại. Bác đặc biệt khen ngợi các bà mẹ chiến sỹ đã hết lòng giúp đỡ thương binh, bệnh binh: “Một tỉnh nhỏ như Hà Tĩnh đã có 2.900 anh em thương binh về xã được sự giúp đỡ của Nhân dân để sản xuất tự túc. Đó là thành tích đáng kể”. Bác khen về thành tích trong công tác thủy nông, về tổ đổi công, về ngày công phục vụ tiền tuyến, đóng góp lương thực... Bác cũng thẳng thắn phê bình những khuyết điểm, yếu kém. Người chỉ rõ: “Đồng bào nông thôn, nhất là nông dân lao động chưa đoàn kết chặt chẽ, đó là khuyết điểm quan trọng...”; “Ý thức bảo vệ của công kém, như việc bảo vệ rừng... Hà Tĩnh chẳng những bảo vệ kém, mà một số lại tự do chặt phá... Một số đồng bào chưa thật sốt sắng đóng thuế nông nghiệp, các thuế khác như công thương chưa nạp kịp thời và đầy đủ”, “việc vay vốn ngân hàng, một số đồng bào vay rồi không hăng hái trả”. Bác phê bình: “thuần phong mỹ tục kém sút, có một số người rượu chè, cờ bạc. Say thì sưa, nói dại, làm dại, ăn cắp, ăn trộm hại đến sản xuất, hại đến tiết kiệm, hại đến đạo đức. Có một số người đồng bóng lạc hậu, mê tín bị những kẻ xấu lợi dụng xoáy tiền”.

Bác căn dặn: “Cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối. Phải đoàn kết giữa lương và giáo, giữa quân và dân, giữa miền Bắc và miền Nam”, “phải ra sức đắp đê chống lụt, chống hạn, phòng hạn cho kịp thời”, “phải sẵn sàng đóng thuế, trả nợ một cách sòng phẳng”, “phải chú ý hoa màu, cố gắng sản xuất mọi mặt”; “đề cao ý thức bảo vệ tài sản chung của Nhà nước, đồng thời phải giữ gìn an ninh, trật tự ở nông thôn”, “phải xây dựng lại thuần phong mỹ tục”, “đề cao kỷ luật lao động trong sản xuất, trong công tác...”. Cuối cùng Bác nhắc nhở “Chúng ta phải sẵn sàng vì miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà”...

Sau cuộc gặp và nói chuyện thân mật với các đại biểu tại Hội nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Bác đến nói chuyện với đại biểu, cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, bộ đội tỉnh Hà Tĩnh. Mở đầu cuộc nói chuyện, Người nói “có mấy điều nêu lên để các đồng chí ghi nhớ và cố gắng thực hành”, đồng thời Bác nêu lên những ưu điểm, khuyết điểm của Hà Tĩnh, chỉ rõ những nhiệm vụ trước mắt.

Bác biểu dương: “... Cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, các đoàn viên thanh niên lao động đã tích cực công tác... Các đồng chí đều tin tưởng vào Trung ương, vào Đảng, vào lực lượng của mình; đã cố gắng trong cải cách ruộng đất và sửa sai; đã cố gắng kiện toàn tổ chức; cố gắng cùng Nhân dân và lãnh đạo Nhân dân tăng gia sản xuất...”. Bác nêu một số tấm gương tiêu biểu như đồng chí Bí thư chi bộ Kỳ Hải đã ngâm mình dưới nước ngăn dòng lũ cho Nhân dân đắp chỗ đê sụt lở là “biết hy sinh cho dân”; chị Thiện nghèo, có bệnh vẫn hăng hái vận động bà con vùng giáo lập tổ đổi công “chẳng những trong nữ giới mà nam giới cũng phải noi theo”.

Rồi Bác nghiêm khắc chỉ ra: “Có hiện tượng trong và ngoài Đảng, cán bộ cũ và cán bộ mới, đoàn kết kém”. Bác phân tích: “Các cô, các chú biết đoàn kết là sức mạnh của mình. Nhờ đoàn kết mà cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi; nhờ đoàn kết mà chúng ta vượt qua nhiều khó khăn làm tròn nhiệm vụ. Chúng ta kém đoàn kết làm lực lượng ta kém sút một phần. Vì vậy, khuyết điểm ấy phải cố gắng sửa chữa cho kỳ được”. Bác nêu khuyết điểm: “ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm kém...”  và giải thích rõ: “nếu kém ý thức tổ chức là làm cho lực lượng Đảng ta yếu đi một phần..., muốn mọi chính sách của Đảng thực hiện được thì phải có kỷ luật... Nếu sợ khó, không thích làm, hoặc chọn việc dễ, là không có tinh thần trách nhiệm, làm giảm bớt lực lượng của Đảng...”; “suy bì so sánh cá nhân, thắc mắc về phụ cấp, cấp bậc...”, “cấp trên cấp dưới, trong Đảng và ngoài Đảng, quan hệ chưa mật thiết...”, “dân chủ phải thực hiện từ trên xuống dưới. Tự phê bình phải thật thà, phê bình phải thành khẩn, không mỉa mai, nói xấu...”.

Bác nhắc nhở : “Đảng viên, cán bộ trong và ngoài Đảng phải một lòng một dạ phục vụ Nhân dân, phục vụ giai cấp”, “Có những bộ phận tham ô, lãng phí, không tôn trọng của công, không thương xót mồ hôi, nước mắt của đồng bào... như vậy là có tội với chính phủ và Nhân dân”; “... Đảng viên, cán bộ ở Nghệ An cũng như ở Hà Tĩnh, một số có óc công thần, cho rằng “choa” đây là cách mạng trước hết, có nhiều công đã tổ chức ra Xô viết... nên tự kiêu, tự đại không coi ai ra gì, độ lượng nhỏ bé, thái độ thiếu khiêm tốn...”; “càng có công lao, càng phải khiêm tốn, gần gũi giúp đỡ người khác...”; “Chứ vác mặt lên trời, làm quan cách mạng, lão thành cách mạng thì không ăn thua gì”...

Sau khi nghiêm khắc phê bình, Bác nhấn mạnh: “Đảng ta không phải là Đảng làm quan mà Đảng phải lo đời sống cho dân, trước mắt là sản xuất, giữ gìn sản xuất, chủ yếu là đắp đê”, “phải cố gắng sửa sai cho tốt, gọn”, “phải chú ý tăng gia sản xuất”. Bác chỉ nói một điểm rất đơn giản “có thực mới vực được đạo” đó là duy vật, đó là gốc của chủ nghĩa Mác - Lênin. Muốn ăn là phải sản xuất, trước hết chăm lo vụ Bát, vụ Mười cho tốt, chăm sóc tốt chưa đủ. Nghề nông phải đấu tranh với đất là làm cỏ, bón phân, cày bừa kỹ; đấu tranh với trời là chống thiên tai như sâu, chuột, bão lụt, hạn hán. Vì vậy, ngoài việc chăm bón, làm cỏ, bỏ phân thì việc đắp đê chống lụt rất cần, mà đê ở đây đắp chậm...”. “Muốn tiến lên CNXH thì phải xây dựng. Nhờ các nước bạn giúp đỡ, giai cấp công nhân cố gắng mà ta đang xây dựng được khá nhiều xí nghiệp... Muốn xây dựng phải có tiền. Tiền ở đâu ra? Tiền ở Nhân dân, tức là ở nông dân và công thương. Phải cố gắng thu thuế kịp thời, gọn, tốt”. “Phải nâng cao chí khí chiến đấu, cảnh giác; mở rộng chế độ tự phê bình và phê bình, nâng cao tinh thần kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí”. Đặc biệt Bác căn dặn “phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết Nhân dân, mỗi người phải tin chắc làm được”; “Có đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng thì việc gì cũng làm được”…

Kết thúc buổi nói chuyện, Người căn dặn: “Phải đoàn kết. Đó là cái gốc”. Cũng tại hội nghị Bác đã tặng 100 huy hiệu làm giải thưởng cho các phong trào thi đua yêu nước.

Sau bữa cơm trưa, Bác nói chuyện với Trung đoàn 812 của Khu 6 (Nam Trung bộ). Sau khi nghe đồng chí Trung đoàn trưởng Phan Ty báo cáo tình hình của đơn vị, Bác nhắc nhở cán bộ chiến sĩ phải giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, hoàn thành tốt kế hoạch huấn luyện, sẵn sàng nhận nhiệm vụ cấp trên giao. Tiếp đến, Bác đi thăm cơ quan Tỉnh ủy, vào Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức và Văn phòng Tỉnh uỷ gặp gỡ trên 50 anh chị em cán bộ, nhân viên cơ quan Tỉnh ủy.

Khoảng 15 giờ, Bác chào mọi người và lên đường ra Vinh (Nghệ An).

Chuyến về thăm Hà Tĩnh của Bác Hồ đã để lại trong lòng cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh nhà những ấn tượng đậm sâu. Những lời dạy bảo của Bác rất ân cần, sát thực tế và rất cởi mở, vừa nhẹ nhàng, vừa sâu sắc, chứa đựng các quan điểm, đường lối, phương hướng, nhiệm vụ của Đảng, soi đường, dẫn lối cho Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh phát huy những thành tích đã đạt được, sửa chữa kịp thời những sai lầm, khuyết điểm, cùng nhau đoàn kết khắc phục khó khăn, phấn đấu đưa phong trào tỉnh nhà tiếp tục tiến lên.

Chuyến thăm thể hiện tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, của Bác Hồ đối với Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh, đã củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Chính phủ; động viên, cổ vũ kịp thời cán bộ, đảng viên, Nhân dân Hà Tĩnh vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ sửa sai, chỉnh đốn tổ chức, ổn định tình hình và phát triển kinh tế - xã hội.

Sau sự kiện Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, các phong trào thi đua đã diễn ra sôi nổi khắp các địa phương, cơ quan, trường học với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc.

Chuyến thăm Hà Tĩnh của Bác Hồ ngày 15/6/1957 đã góp phần giúp Trung ương Đảng, Chính phủ có thêm những bài học kinh nghiệm quý báu để lãnh đạo thực hiện công cuộc sửa sai, củng cố tổ chức và lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chuẩn bị cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Những lời dạy bảo của Người đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, bộ đội và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh trong chuyến thăm không chỉ có ý nghĩa, tác dụng trong thời điểm lúc bấy giờ mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh; có tác dụng nhắc nhở, động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta đoàn kết thống nhất, phát huy truyền thống quê hương Xô Viết Nghệ - Tĩnh anh hùng, quyết tâm xây dựng Hà Tĩnh phát triển, giàu mạnh, văn minh.

            (Nguồn: Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), chiều ngày 20/6/2024, đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp đến tặng hoa và chúc mừng Báo Hà Tĩnh và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.
Chiều 6/6, Quốc hội thống nhất phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm ông Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
Gần 500 đại biểu là chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn Hà Tĩnh đã được phổ biến các kiến thức pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Thực hiện nhiệm vụ định kỳ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020 và các Nghị định quy định chi tiết, ngày 15/5/2024 tại thành phố Hà Nội, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) kỳ 2019-2023. Hội thảo do đồng chí Hồ Quang Huy - Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL và đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL chủ trì.
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (Viện KAS), ngày 17/5/2024 tại thành phố Hà Nội, Bộ Tư pháp và Viện KAS tổ chức Hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2025 - 2030”. Chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính (QLXLVPHC) và theo dõi THPL Nguyễn Quốc Hoàn và ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam.
Chiều ngày 17/5/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị do đồng chí Đinh Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở chủ trì, với sự tham gia của các đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, lãnh đạo các Phòng, Trung tâm thuộc Sở Tư pháp và lãnh đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã.