Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại buổi làm việc.
Trên cơ sở đó, đồng chí Trần Anh Đức đã báo cáo về các nội dung chính của dự án Luật Ban hành VBQPPL như quy trình xây dựng, ban hành văn bản; trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, trách nhiệm của Bộ Tư pháp, của thành viên Hội đồng thẩm định; những điểm mới nổi bật trong quy trình chính sách, quy trình soạn thảo VBQPPL so với hiện nay; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trách nhiệm xin ý kiến, báo cáo cấp ủy đảng; giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật…
Liên quan đến vấn đề kiện toàn Tổ Biên tập dự án Luật Ban hành VBQPPL, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật nghiên cứu thành lập thường trực Tổ Biên tập. Thứ trưởng cũng đề nghị Vụ tiếp tục nghiên cứu, học hỏi, tham khảo thêm các kinh nghiệm quốc tế về quy trình xây dựng chính sách và tính chuyên nghiệp trong quy trình soạn thảo VBQPPL.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho rằng, dự án Luật Ban hành VBQPPL là một trong những đạo luật quan trọng có tác động trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Do vậy, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần làm việc với tinh thần khẩn trương, kịp thời cụ hóa các quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, tập trung sửa những nội dung mang tính chất đột phá.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại buổi làm việc.
Theo đó, cần làm nổi bật tính Đảng trong xây dựng pháp luật, phải đảm bảo thể chế đầy đủ chủ trương của Đảng trong xây dựng pháp luật và coi đó là công việc thường xuyên; làm rõ sự liên thông giữa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật và cụ thể hóa thành điều luật.
Bộ trưởng yêu cầu phải xác định rõ công đoạn nào cần xin ý kiến của tổ chức đảng, cấp ủy; Bộ Tư pháp, cơ quan có thẩm quyền có ý kiến bổ sung như thế nào trong trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo tự rà soát chưa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng; thẩm quyền bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như thế nào để đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật. Về quy trình thẩm định VBQPPL, Bộ trưởng yêu cầu phải xác định kỹ nội dung thẩm định, bám sát các yêu cầu đặt ra, làm rõ giá trị của văn bản thẩm định.
Bộ trưởng nhấn mạnh quy trình xây dựng chính sách phải kỹ càng, cụ thể, kiểm soát chặt chẽ thông qua việc thể hiện chủ trương của đảng.
“Người dân, doanh nghiệp phải là chủ thể của trung tâm, xuất phát từ thực tiễn để tháo gỡ điểm nghẽn. Để làm tốt khâu xây dựng chính sách, cần tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, thực hiện đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến, cơ chế giải trình. Chính sách càng kỹ, chất lượng luật càng tốt; chính sách rõ, thẩm định sẽ thuận lợi”, Bộ trưởng nói.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh và Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã làm việc với các đơn vị về công tác chuẩn bị Hội nghị đường biên với Lào.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Hữu Huyên đã báo cáo tóm tắt về kết quả hội nghị đường biên lần thứ 5, trong đó tập trung về một số mặt công tác như hộ tịch, quốc tịch, tương trợ tư pháp, thi hành án dân sự, trợ giúp pháp lý, đào tạo cán bộ… Đồng thời báo cáo về dự kiến chương trình, lịch trình, các hoạt động lễ tân, hậu cần, dự trù kinh phí đối với đoàn công tác tham dự hội nghị đường biên tại Lào. Tiếp đó, đại diện các đơn vị đã cho ý kiến về chủ đề, nội dung hội nghị, thành phần tham dự, lịch trình, công tác lễ tân, hậu cần…
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đánh giá cao Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị trong công tác chuẩn bị cho Hội nghị. Cơ bản thống nhất chương trình, Bộ trưởng yêu cầu rà soát lại thành phần tham dự Hội nghị, lựa chọn vấn đề nội dung thực chất, khả thi, tập trung các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong công tác tư pháp, đặc biệt là tại 10 tỉnh chung đường biên với Lào. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho ý kiến đối với với các hoạt động cụ thể trong khuôn khổ hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc tại buổi làm việc.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Hữu Huyên báo cáo tại buổi làm việc.
Theo nguồn moj.gov.vn