Ghi nhận từ Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh năm 2023

Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Hà Tĩnh năm 2023 đã diễn ra vào ngày 18/8/2023 và để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả và những người quan tâm theo dõi. Hội thi là một trong các hoạt động gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và là điểm nhấn của công tác PBGDPL năm 2023. Sau đây là một số ghi nhận từ Hội thi này.

Công tác chuẩn bị chu đáo

Thực hiện Quyết định số 791/QĐ-HĐPH ngày 24/5/2023 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 08/6/2023 về tổ chức Hội thi trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 1434/QĐ-UBND ngày 20/6/2023 về thành lập Ban Tổ chức Hội thi. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Ban Tổ chức đã ban hành Thể lệ số 212/TL-BTC quy định rõ về nội dung, hình thức thi, cơ cấu giải thưởng, trách nhiệm của Ban tổ chức, Ban Giám khảo và các đội thi, đồng thời thành lập Tổ giúp việc để triển khai tham mưu các nhiệm vụ. Ban Tổ chức Hội thi đã tổ chức họp triển khai kế hoạch tổ chức Hội thi và bốc thăm thứ tự dự thi cho các địa phương, đồng thời bàn một số nội dung liên quan đến điều kiện bảo đảm để tổ chức thành công Hội thi.

Công tác truyền thông về Hội thi được thực hiện bài bản, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền trước, trong và sau Hội thi. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tại địa phương tích cực hỗ trợ các đội thi trong quá trình tập luyện. Các cơ quan khác là thành viên Ban Tổ chức cũng đã có những hoạt động cụ thể nhằm tuyên truyền, hỗ trợ Hội thi.

Ngân hàng câu hỏi thi được xây dựng gồm 80 câu trắc nghiệm và 20 câu tình huống, trong đó tập trung vào các lĩnh vực pháp luật liên quan mật thiết với người dân ở cơ sở như: hòa giải, hôn nhân và gia đình, thừa kế, đất đai, dân sự, môi trường… Các gói câu hỏi trắc nghiệm được xây dựng ngắn gọn, trọng tâm, trọng điểm, câu hỏi xử lý tình huống thiết thực, gần gũi với người dân ở cơ sở.

Các địa phương tích cực hưởng ứng

Hội thi Hòa giải viên giỏi năm 2023 này đã được các huyện, thành phố, thị xã tích cực ủng hộ, mặc dù tại thời điểm diễn ra Hội thi các địa phương đang tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng nhưng 13/13 huyện, thành phố, thị xã đã quan tâm chỉ đạo việc thành lập đội thi, bố trí nguồn lực cũng như thực hiện tốt công tác chuẩn bị. Riêng huyện Cẩm Xuyên đã tổ chức thành công Hội thi cấp huyện tại 03 cụm và để lại dấu ấn sâu sắc trong cán bộ, Nhân dân trên địa bàn. 13 đội thi được thành lập tại các địa phương với 299 thành viên tham gia, trong đó có 39 hòa giải viên trong vai trò thành viên chính đã tích cực tập luyện và đầu tư tâm huyết cho các phần thi. Tại ngày diễn ra Hội thi, ngoài khán giả của Thành phố Hà Tĩnh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, các địa phương như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang… đều có lực lượng cổ vũ đông đảo, tạo không khí sôi nổi, hào hứng, động viên tinh thần các đội thi.

Lực lượng cổ động viên đông đảo của các đội thi 

Các phần thi chất lượng, góp phần lan tỏa kiến thức pháp luật

Tại Hội thi các đội thi trải qua ba phần thi là phần thi giới thiệu, phần thi lý thuyết và phần thi tiểu phẩm. Trong đó nhiều đội thi đã mang đến tiết mục giới thiệu ấn tượng, công phu, ý nghĩa sâu sắc, thông qua làn điệu dân ca ví dặm đã khéo léo giới thiệu về đặc trưng của địa phương và công tác hòa giải ở cơ sở.

Nhiều phần thi giới thiệu công phu, ấn tượng

Điều đáng ghi nhận là các thí sinh đến với Hội thi lần này rất tự tin khi đứng trên sân khấu trả lời các câu hỏi ngẫu nhiên bằng hình thức bốc thăm của Ban giám khảo, điều này cho thấy sự chuẩn bị của các thành viên trong từng đội thi rất chu đáo. Có những tình huống về đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình… tương đối phức tạp nhưng các thí sinh đã bám sát quy định của pháp luật để xử lý chính xác, từ đó khéo léo hàn gắn những rạn nứt, xóa bỏ những mâu thuẫn, vun đắp sự hoà thuận trong từng gia đình và đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Tại phần thi tiểu phẩm, những mâu thuẫn, tranh chấp trong cuộc sống được các hòa giải viên dàn dựng, đưa lên sân khấu và hòa giải nhờ sự am hiểu pháp luật và kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của các bên để từ đó lựa chọn cách giải quyết phù hợp.

Với hình thứcsân khấu hóa, các quy định pháp luật được khéo léo tuyên truyền một cách sinh động, tránh được sự cứng nhắc, khô khan. Hội thi cũng đem lại những cảm xúc, ấn tượng tốt đẹp về tình người trong việc hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ thực tế cuộc sống hàng ngày, từ đó xây đắp tình làng, nghĩa xóm, phát huy truyền thống trong cộng đồng dân cư. Các bên mâu thuẫn đã bình tĩnh nhận ra những thiếu sót, những hành xử chưa đúng của mình, nhận ra những giá trị bền vững trong cuộc sống…

Tôn vinh công tác hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở

Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Hà Tĩnh năm 2023 được tổ chức thành công đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải. Thông qua các phần thi có thể thấy hòa giải viên không chỉ nắm vững quy định pháp luật, có kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải mà còn có năng khiếu nghệ thuật, diễn xuất tốt. Hội thi cũng đã giúp người xem hình dung rõ nét hơn, hiểu sâu sắc hơn về công tác hòa giải và trân trọng hơn những đóng góp thầm lặng của các hòa giải viên ở cơ sở với vai trò làm “nhịp cầu nối những bờ vui”. Hội thi này cũng là diễn đàn để các hòa giải viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân để tiếp tục cống hiến cho công tác này.

          Hội thi Hòa giải viên giỏi năm 2023 khép lại nhưng dư âm của Hội thi vẫn tiếp tục lan tỏa sâu rộng. Sở Tư pháp sẽ lựa chọn và in đĩa các tiết mục ấn tượng của các đội thi để tiếp tục tuyên truyền về Hội thi, đồng thời cũng sử dụng các phần thi có chất lượng tốt để phục vụ công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực hòa giải viên và tuyên truyền pháp luật cho cán cho cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới./.

                                                                                               Thiều Chiên

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 20/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1143/QĐ-BTP hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu “tiếp cận pháp luật” trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh. Kèm theo Quyết định này có ba Phụ lục hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu “tiếp cận pháp luật” trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh, bao gồm:
Để động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân trong ngành Tư pháp cố gắng nỗ lực, phấn đấu, hoàn thành vượt tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 818/QĐ-BTP ngày 10/5/2024 về ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua cao điểm “Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Kế hoạch số hóa dữ liệu hộ tịch”.
Sáu tháng đầu năm 2024 công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tiếp tục được Sở Tư pháp triển khai đồng bộ và hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực về hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong công tác nuôi con nuôi, ngày 03/5/2024 Sở Tư pháp đã ban hành Văn bản số 796/STP-HC&BTTP đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ trong công tác nuôi con nuôi.
Chiều ngày 06/5/2024, Sở Tư pháp đã phối hợp với Làng Trẻ em mồ côi tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ giao, nhận trẻ em làm con nuôi người nước ngoài. Tham dự buổi lễ có đồng chí Đinh Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Làng Trẻ em mồ côi, cha mẹ nuôi người Anh và các cán bộ, nhân viên của Làng Trẻ.
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo (Đề án 06); Thông báo Kết luận số 1186/TB-TCTTKĐA06 ngày 23/02/2024 về kết luận họp giao ban Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Văn bản số 859/CV-TCTTKĐA ngày 31/01/2024 về tuyên truyền, tập huấn sử dụng ứng dụng tài khoản định danh điện tử VneID, ngày 15/3/2024 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1398/UBND-NC1, trong đó yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục nêu cao quyết tâm chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 06 tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong năm 2024; Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Chỉ thị số 04/CT-TTg nêu trên của Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, tổ chức kiểm điểm và có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là đối với những nhiệm vụ chậm, muộn tiến độ, có giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” đảm bảo các nhiệm vụ thực hiện đúng tiến độ đề ra.