Hoàn thiện quy định về phân cấp, phân quyền giữa trung ương với chính quyền địa phương

 
Chiều 22/11, Bộ Tư pháp tổ chức họp Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) với sự chủ trì của Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh. Về phía cơ quan chủ trì lập đề nghị có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cùng đại diện một số đơn vị thuộc Bộ.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ nêu rõ: Sau gần 10 năm thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và 5 năm thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, nhìn chung, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, hội đồng nhân dân (HĐND), ủy ban nhân dân (UBND) các cấp đã tương đối ổn định, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thi hành các luật nêu trên đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi. 

Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ báo cáo tại cuộc họp.
 
Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm các chính sách: Hoàn thiện quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa trung ương và chính quyền địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp; Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo; Hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp; Hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động của UBND các cấp; Hoàn thiện các quy định của về thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

Ông Bùi Công Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại cuộc họp
Góp ý tại cuộc họp thẩm định, ông Bùi Công Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ cho biết hiện nay dự án Luật Tổ chức Chính phủ cũng đang được sửa đổi với 6 chính sách, một trong số đó là chính sách đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại và chuyển đổi số. Do đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cần tính đến đổi mới phương thức hoạt động để đồng bộ với Chính phủ, đảm bảo sự liên thông và kết nối từ trung ương đến cơ sở. 
Theo ông Quang, công tác cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 và công tác đổi mới hoạt động, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương thời gian qua được quan tâm và có nhiều chính sách mới. Trong đó, đặt ra vấn đề là phân định nhiệm vụ, quyền hạn, phân cấp, phân quyền. Đối với nội dung này, ông Quang cho rằng Luật này cần “định vị” và “khoanh vùng” lại, chỉ nên quy định nguyên tắc chung, tránh chồng chéo với dự án Luật Tổ chức chính phủ (sửa đổi).TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại cuộc họp.
Chung quan điểm, TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ đề nghị cơ quan chủ trì lập đề nghị cần làm rõ nét hơn những vướng mắc nổi cộm, thể hiện sự cấp thiết phải sửa Luật và phải giải quyết được vấn đề mấu chốt giữa Luật này với các Luật chuyên ngành. Nhắc lại định hướng, quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đó là “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, TS. Hoàng Thị Ngân cho rằng dự án Luật phải xác định nguyên tắc phân định thẩm quyền, làm rõ những vấn đề địa phương được tự quyết.Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội - Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phát biểu tại cuộc họp.
Còn bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội - Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh Luật này không thể “làm thay” các luật chuyên ngành trong vấn đề phân cấp, phân quyền. Lý giải thêm, bà Liên cho biết hiện nay hầu hết các quy định pháp luật có xu hướng phân quyền đến cấp tỉnh, chỉ phân quyền tới cấp huyện, xã trong một số lĩnh vực và thẩm quyền đặc biệt, ví dụ như đất đai. Do đó, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) chỉ nên quy định nguyên tắc về phân cấp, phân quyền.Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu tại cuộc họp.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho rằng, giải quyết vấn đề phân cấp, phân quyền chính là nội dung cốt lõi để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong tổ chức chính quyền địa phương hiện nay. Thứ trưởng Trương Hải Long khẳng định, sẽ tiếp thu đầy đủ góp ý của các chuyên gia để hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh khẳng định, dựa trên bối cảnh hiện nay, thời điểm này chính là cơ hội hiếm có để có thể quy định những nội dung đột phá, đổi mới liên quan đến vấn đề tổ chức chính quyền địa phương, phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa trung ương với chính quyền địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh kết luận cuộc họp thẩm định
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần bám sát, cụ thể hoá các đường lối, chủ trương của Đảng; đặc biệt là các chủ trương nhiệm vụ được quy định trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 27 ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và các bài viết, quan điểm, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới, sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy trong thời gian qua.
Theo đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cần tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, đặc biệt là “điểm nghẽn” trong phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa trung ương với chính quyền địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị cơ quan chủ trì lập đề nghị hồ sơ xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát các chính sách đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật; đảm bảo tính khả thi, tính dự báo của các chính sách, các giải pháp trong dự án Luật sửa đổi. 
Theo Nguồn Cổng TTĐT Bộ Tư pháp.

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Sáng ngày 22/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giám định tư pháp. Hội nghị do đồng chí Ngô Xuân Ninh - Phó Giám đốc Sở chủ trì, với hơn 100 đại biểu tham dự, bao gồm thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đại diện Lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, huyện, các tổ chức giám định tư pháp và đội ngũ giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc trên địa bàn tỉnh.
Sáng ngày 21/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Tọa đàm đánh giá tình tình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh nhằm trao đổi những vướng mắc và những kinh nghiệm, giải pháp trong quá trình thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định liên quan.
Ngày 20/11, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh và Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã làm việc với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật về tình hình xây dựng dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức đã nêu lên một số chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới quy trình xây dựng pháp luật và kế hoạch, nội dung nhiệm vụ, tiến độ soạn thảo dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
(Baohatinh.vn) - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2024 và các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất chỉ tiêu nhiệm vụ của năm và cả nhiệm kỳ.
Chiều ngày 08/11/2024, Hội đồng PBGDPL tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, tổng kết công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2024 và tổng kết, trao giải Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông”.