Hơn 9 triệu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 27/3, đã có hơn 9 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tập trung vào nhiều nội dung như cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…

Ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tổ trưởng Tổ Biên tập Luật Đất đai (sửa đổi) đánh giá, việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội hết sức sâu rộng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ, trí thức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. 
Công tác tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan truyền thông được thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp trong cả nước đến từng thôn, xóm, khu phố và người dân…
Bên cạnh đó, nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm mang tính chuyên môn sâu, theo chuyên đề đã được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức công phu thể hiện tính chủ động và sự quan tâm sâu sắc của toàn dân đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đặc biệt, nhiều cá nhân đã dành rất nhiều tâm huyết để nghiên cứu, góp ý trực tiếp, cụ thể, chi tiết đối với dự thảo Luật.

12 nhóm vấn đề nhận được nhiều góp ý
Ông Đào Trung Chính cho biết, qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Từ kết quả tổng hợp, có thể thấy phần lớn các ý kiến quan tâm đến 12 nhóm vấn đề chính là: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất; vai trò của Mặt trận và thành viên của Mặt trận; vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã; phát triển quỹ đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất; xử lý các luật có mâu thuẫn, chồng chéo với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phân tích những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến nhân dân lần 2, đặc biệt về cơ chế xác định giá đất, các vấn đề của thị trường BĐS, ông Đào Trung Chính nhận định, thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô...
Việc bỏ khung giá đất nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân với hy vọng giá đất sẽ dần tiến đến phù hợp với thị trường. Việc xây dựng bảng giá đất hàng năm cũng được nhiều ý kiến tán thành, tuy nhiên một số ý kiến cũng đề nghị cân nhắc về chu kỳ ban hành bảng giá đất 5 năm để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và tránh gây áp lực lên hệ thống cơ quan nhà nước. 
Có ý kiến cũng đề nghị ban hành bảng giá theo chu kỳ ngắn hạn hơn 2 đến 3 năm một lần và điều chỉnh khi có mức độ biến động nhất định. Đồng thời, các ý kiến cũng mong muốn Hội đồng thẩm định giá đất bảo đảm tính chuyên môn sâu, tính độc lập, khách quan, minh bạch. 
Các ý kiến đều được cơ quan soạn thảo tập hợp và cân nhắc kỹ lưỡng để tiếp thu, giải trình cho phù hợp.
Dự thảo Luật cũng hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất; xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp; hoàn thiện các chế định về điều tiết của Nhà nước để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai, đồng thời có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước.
"Nội dung góp ý của nhân dân tương đối phong phú, đa dạng và bao trùm nhiều nội dung khác nhau của dự thảo Luật tùy theo đối tượng cho ý kiến. Tuy nhiên, có thể thấy rằng các quy định nhận được quan tâm nhiều nhất đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, trong đó phải kể đến các quy định về việc lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…", Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất cho biết.

Sớm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đảm bảo tính khả thi
Theo ông Đào Trung Chính, quá trình lấy ý kiến nhân dân vừa kết thúc; các bộ, ngành địa phương đang trong quá trình tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân để gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20/3/2023 theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ- CP của Chính phủ. Tuy các ý kiến chưa tập hợp một cách đầy đủ nhất nhưng các nội dung góp ý của nhân dân sẽ được tiếp thu, làm rõ để sớm hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo tính khả thi.
Để đảm bảo tiến độ được giao, cơ quan soạn thảo đã thực hiện đồng thời việc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, "có đến đâu làm đến đó". Các ý kiến đều được phân tích kỹ lưỡng, trao đổi với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để thống nhất trong dự thảo Luật. Việc tiếp thu, giải trình ý kiến được thực hiện chi tiết từng ý kiến của cá nhân, tổ chức và được tập hợp, tổng hợp báo cáo kết quả đến Chính phủ, Quốc hội và đăng tải công khai theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Những nội dung có nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự thống nhất sẽ được cơ quan soạn thảo tập hợp, báo cáo chi tiết với Chính phủ và Quốc hội xem xét, cho ý kiến cụ thể.

 

 baochinhphu.vn

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), chiều ngày 20/6/2024, đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp đến tặng hoa và chúc mừng Báo Hà Tĩnh và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.
Chiều 6/6, Quốc hội thống nhất phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm ông Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
Gần 500 đại biểu là chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn Hà Tĩnh đã được phổ biến các kiến thức pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Thực hiện nhiệm vụ định kỳ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020 và các Nghị định quy định chi tiết, ngày 15/5/2024 tại thành phố Hà Nội, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) kỳ 2019-2023. Hội thảo do đồng chí Hồ Quang Huy - Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL và đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL chủ trì.
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (Viện KAS), ngày 17/5/2024 tại thành phố Hà Nội, Bộ Tư pháp và Viện KAS tổ chức Hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2025 - 2030”. Chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính (QLXLVPHC) và theo dõi THPL Nguyễn Quốc Hoàn và ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam.
Chiều ngày 17/5/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị do đồng chí Đinh Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở chủ trì, với sự tham gia của các đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, lãnh đạo các Phòng, Trung tâm thuộc Sở Tư pháp và lãnh đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã.