Một số điểm mới liên quan đến công tác xây dựng văn bản QPPL tại Nghị định số 59/2024/NĐ-CP của Chính phủ

Để khắc phục vướng mắc bất cập trong quy định về xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản QPPL, ngày 25/5/2024 Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với các điểm mới nổi bật sau:

1. Về giải thích từ ngữ

Sửa đổi các thuật ngữ giải thích từ ngữ “chính sách”, “đánh giá tác động của chính sách” theo hướng quy định chi tiết, cụ thể hơn so với trước đây. Theo đó chính sách là định hướng, giải pháp của Nhà nước để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, giải quyết vấn đề của thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu nhất định. Đánh giá tác động của chính sách là việc phân tích, dự báo tác động của chính sách nhằm lựa chọn giải pháp tối ưu thực hiện chính sách.

2. Về trách nhiệm lấy ý kiến trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đối với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh

Nghị định đã bỏ quy định phải lấy ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đối với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và chỉnh sửa theo hướng “Cơ quan lập đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan”.

3. Phân cấp cho địa phương thực hiện nhiệm vụ xác định nội dung giao quy định chi tiết tại văn bản trung ương cho HĐND, UBND tỉnh

Theo đó, Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan lập và đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, trình Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết; trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định danh mục quyết định của UBND cấp tỉnh quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước trên cơ sở danh mục (trước đây nhiệm vụ này thực hiện trên danh mục do Bộ Tư pháp lập gửi đến).

 Cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp rà soát, xác định các nội dung được giao quy định chi tiết nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ để kịp thời đề xuất ban hành văn bản quy định chi tiết. Trước đây, nhiệm vụ này thuộc trách nhiệm của cơ quan trung ương (Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước).

4. Về ban hành văn bản theo trình tự thủ tục rút gọn

Bổ sung thời hạn thực hiện đề nghị xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, theo đó đề nghị được thực hiện trước hoặc trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, bổ sung văn bản đề nghị xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn phải có các nội dung chính sau đây: Sự cần thiết ban hành văn bản; Tên văn bản; Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản; Nội dung chính của văn bản; Căn cứ áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, trong đó nêu cụ thể trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Điều 146 của Luật; Lý do đề nghị áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn. Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 146 của Luật, phải nêu rõ vấn đề phát sinh trong thực tiễn và hậu quả có thể xảy ra nếu không kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết vấn đề đó; Dự kiến cơ quan chủ trì soạn thảo và thời gian trình hoặc ban hành văn bản.

5. Về trách nhiệm của Sở Tư pháp trong thẩm định dự thảo văn bản

Nghị định bổ sung thêm quy định quy định về trách nhiệm Sở Tư pháp trong việc tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật gửi thẩm định. Trường hợp hồ sơ dự thảo gửi thẩm định không đáp ứng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL thì chậm nhất là 02 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung hồ sơ. Thực tế thẩm định cho thấy, một số cơ quan khi gửi hồ sơ thẩm định không nghiên cứu kỹ quy định tại khoản 2 Điều 121, khoản 2 Điều 130 nên vẫn còn thiếu một số thành phần khi gửi hồ sơ đến Sở Tư pháp thẩm định, trong khi đó quy định về đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung hồ sơ thẩm định lại không có. Vì vậy, việc bổ sung thêm quy định nêu trên củng cố thêm cơ sở pháp lý cho Sở Tư pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thẩm định.

6. Về Hội đồng tư vấn thẩm định, Hội đồng thẩm định dự thảo

Nghị định cũng quy định bổ sung trường hợp không thành lập Hội đồng thẩm định (Sở Tư pháp có thể tổ chức cuộc họp tư vấn thẩm định có sự tham gia của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan). Còn quy định trước đây thì tất cả các Quyết định của UBND tỉnh do Sở Tư pháp tham mưu đều phải thành lập Hội đồng thẩm định.

Về thành phần Hội đồng tư vấn thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật, Nghị định đã bỏ thành phần tham gia Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và chỉ quy định các thành phần: Sở Tài chính, Sở Nội vụ và cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học.

7. Về các mẫu báo cáo

Bổ sung thêm mẫu số 12 (Báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật); Mẫu số 13 (Báo cáo về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật); Mẫu số 14 (Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật/dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật)

Thay thế một số mẫu: Mẫu số 42 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP bằng Mẫu số 42 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; Mẫu số 01, 02 và 03 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP bằng Mẫu số 01, 02 và 03 tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

Ngày 01/6/2024, Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành, Sở Tư pháp cần tăng cường phát huy tích cực vai trò cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh trong việc kịp thời phổ biến, quán triệt nội dung Nghị định cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương để việc triển khai thực hiện công tác xây dựng văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao trong thời gian tới./.

   Hải Giang

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 01/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 78/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giá về thẩm định giá. Theo đó, Nghị định đã quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hành nghề thẩm định giá.
Ngày 03/7/2024, Hội đồng PHPBGDPL tỉnh (sau đây viết tắt là Hội đồng) ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến pháp luật quý III năm 2024. Để triển khai kịp thời, có hiệu quả cao công tác này, Hội đồng đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2024/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử. Theo đó, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc phương tiện xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử, được dùng để truy cập, sử dụng các tính năng, tiện ích, ứng dụng của hệ thống định danh và xác thực điện tử và hệ thống thông tin đã được kết nối, chia sẻ theo quy định của pháp luật.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2024/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử. Trong đó, Nghị định quy định rõ trình tự, thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử đối với người nước ngoài như sau:
Ngày 28/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 43/2024/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.