Một số nội dung nổi bật của Luật Căn cước năm 2023

Luật Căn cước công dân năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của Nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ Công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta, ngày 27/11/2023, Quốc hội Khoá XV đã chính thức thông qua Luật Căn cước và Luật sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Theo đó, Luật có một số nội dung nổi bật sau:

- Một là, về tên gọi và đối tượng áp dụng

Song song với việc sửa tên Luật từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước, Luật mới cũng đã đổi thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước. Đây là điểm mới quan trọng của Luật Căn cước so với quy định cũ. Theo đó, căn cước là giấy tờ tùy thân chứa các thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người. Về nội dung thể hiện trên Thẻ Căn cước, Luật năm 2023 quy định bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ “thẻ căn cước”, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú... Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ Căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ Căn cước.

Bên cạnh đó, Luật Căn cước mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

- Hai là, về các hành vi nghiêm cấm

Luật đã bổ sung nội dung nghiêm cấm mua, bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong CSDLQG về dân cư và CSDL căn cước cho phù hợp với định hướng quản lý căn cước trong thời gian tới.

- Ba là, về thông tin trong CSDLQG về dân cư; thu thập, cập nhật thông tin và quản lý, khai thác và sử dụng CSDLQG về dân cư

Luật quy định mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong CSDLQG, CSDL chuyên ngành vào CSDLQG về dân cư, CSDL căn cước để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ, thông tin người dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư, như bổ sung thông tin khác được chia sẻ từ CSDLQG, CSDL chuyên ngành… Bên cạnh đó, Luật đã chỉnh lý, bổ sung quy định về mối quan hệ giữa CSDLQG về dân cư với các CSDLQG, CSDL chuyên ngành để bảo đảm hiệu quả triển khai Đề án số 06.

- Bốn là, về người được cấp Thẻ Căn cước

Hiện nay, theo quy định của Luật Căn cước công dân 2014 thì chỉ cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Tuy nhiên, từ 01/7/2024, khi Luật Căn cước có hiệu lực thì người được cấp thẻ Căn cước là: Công dân Việt Nam; Độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải làm thủ tục cấp thẻ Căn cước; công dân dưới 14 tuổi nếu có nhu cầu thì thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước.  Như vậy, Luật mới đã bổ sung đối tượng được cấp căn cước là công dân dưới 14 tuổi.

- Năm là, về thủ tục cấp thẻ Căn cước

Tại Điều 23 Luật Căn cước đã quy định khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước thì cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu nhận thông tin về mống mắt của công dân. Đây là thông tin mới bổ sung so với Luật năm 2014.

Nhận dạng mống mắt được sử dụng như một trong những phương pháp thu thập dữ liệu sinh trắc học cần thiết để cấp số định danh cá nhân là duy nhất. Có thể xác thực chính xác và nhanh chóng ngay cả khi không có căn cước. Việc sử dụng kết hợp với dữ liệu sinh trắc học bổ sung lẫn nhau, chẳng hạn như vân tay, ảnh khuôn mặt, cho phép xác thực cá nhân một cách chính xác, chống lại hành vi mạo danh. Do đó, việc thu nhận thông tin về mống mắt giúp việc xác thực cá nhân bảo đảm tính chính xác cao, dễ dàng trong việc thực hiện, triển khai các ứng dụng để phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế số, công dân số.

- Sáu là, về thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước; độ tuổi cấp đổi thẻ Căn cước

Luật quy định kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước cho người dân trong thời hạn 07 ngày làm việc, đây là quy định chung, áp dụng trên toàn quốc, không phân biệt theo địa bàn cư trú của người dân như Luật Căn cước công dân năm 2014.

Về độ tuổi cấp đổi thẻ Căn cước: Theo Điều 21 Luật Căn cước công dân năm 2014 thì Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi; Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014 thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Theo quy định tại Điều 21 Luật Căn cước năm 2023 thì ngoài các độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước như Luật năm 2014 thì đã bổ sung trường hợp khi đủ 14 tuổi. Thẻ Căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ Căn cước quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Căn cước năm 2023 có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ Căn cước tiếp theo.

- Bảy là, quy định về Giấy chứng nhận căn cước và căn cước điện tử

Một trong những nội dung đáng chú ý là Luật Căn cước đã bổ sung quy định về Giấy chứng nhận căn cước và Căn cước điện tử. Theo đó, tại khoản 10 Điều 3 Luật Căn cước quy định: “10. Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này”. Việc bổ sung quy định về Giấy chứng nhận căn cước nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Điều 31 Luật Căn cước nêu rõ, mỗi công dân sẽ chỉ có 01 Căn cước điện tử. Đây là Căn cước được thể hiện qua tài khoản định danh điện tử. Sau khi đã có Căn cước điện tử, công dân có thể thực hiện tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước thông qua việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước hoặc ứng dụng VNeID.

- Tám là, về thời hạn sử dụng của Chứng minh nhân dân và thẻ Căn cước công dân

Theo quy định của Luật Căn cước 2023, thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ (trừ trường hợp thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024). Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Việc quy định chuyển tiếp như trên nhằm khắc phục được tình trạng  người dân phải làm thủ tục cấp lại giấy tờ, điều chỉnh thông tin trên giấy tờ, gây ảnh hưởng đến thời gian, kinh phí, phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.

Thanh Hoa

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 28/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 43/2024/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngày 21/6/2024, Bộ chính trị ban hành Kết luận số 83-KL/TW về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.
Ngày 17/6/2024 Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2024/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Ngày 20/6/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 09/2024/QĐ-UBND ban hành Quy định về chi phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án, giám sát thi công công trình đối với các dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 31/5/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 18/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó có sửa đổi, bổ sung quy định về cung cấp thông tin xe ra, vào bến xe khách.
Ngày 16/5/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BTC quy định về kinh phí đầu tư xây dựng, duy trì, nâng cấp, quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu về giá. Theo đó, nội dung chi và mức chi cho duy trì, quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu về giá được quy định cụ thể: