Một số vướng mắc trong việc bố trí kinh phí thực hiện lập, thẩm định quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành
Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, bao gồm các quy hoạch được quy định tại Phụ lục 2 của Luật Quy hoạch. Mặc dù, Luật Quy hoạch có giải thích từ ngữ như quy định nêu trên, tuy nhiên, do một số quy định còn chưa cụ thể nên quá trình thực hiện còn vướng mắc trong việc bố trí nguồn kinh phí thực hiện lập, thẩm định đối với quy hoạch này.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật Quy hoạch thì “chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công”. Theo đó, tại điều 1 Luật Quy hoạch quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật này là điều chỉnh các hoạt động liên quan đến lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Do đó, theo quy định trên thì việc sử dụng kinh phí từ nguồn đầu tư công chỉ thực hiện đối với các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia tại điều 5 Luật này gồm: Quy hoạch cấp quốc gia; Quy hoạch vùng; Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mà không có quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Tại khoản 3 Điều 22, khoản 3 Điều 23, khoản 7 Điều 25, khoản 3 Điều 26 và khoản 3 Điều 27 của Luật Quy hoạch quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Theo đó, một số Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên để thực hiện như: Nghị định số 67/2022/NĐ-CP ngày 21/9/2022 sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ; Nghị định số 05/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2019/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định số 56/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ.
Tuy nhiên, một số Nghị định chỉ quy định chung sử dụng nguồn ngân sách nhà nước mà không quy định cụ thể là chi đầu tư hay chi thường xuyên (như Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ; Nghị định số 41/2019/NĐ-CP ngày 15/5/2019 của Chính phủ); một số Nghị định không quy định cụ thể về nguồn vốn thực hiện (như Nghị định 25/2011/NĐ-CP 2 ngày 06/4/2011 của Chính phủ). Trong khi đó, Thông tư số 119/2018/TT-BTC ngày 05/12/2018 của Bộ Tài chính quy định từ ngày 01/01/2019 việc lập các quy hoạch sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của Luật Quy hoạch. Điều này dẫn đến “từ năm 2020 các Bộ, ngành và địa phương không có cơ sở bố trí nguồn vốn lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt”.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 về việc “Bố trí kinh phí chi thường xuyên năm 2021 để các bộ, ngành và địa phương tổ chức lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành” và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 61/2022/NQ-CP ngày 16/6/2022 cho phép Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch được “sử dụng kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật của ngân sách nhà nước để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh các quy hoạch mà đến thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành chưa được bố trí vốn”. Tuy nhiên, đối với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được phê duyệt nhiệm vụ dự toán sau ngày 16/6/2022 đến nay vẫn chưa có Văn bản hướng dẫn cụ thể. Điều này đã gây khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong việc bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Về hướng xử lý toàn diện, theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 2198/BKHĐT-KTĐPLT ngày 25/3/2024: Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng “Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch” để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025. Trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu để xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Và mới nhất, theo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương tại Văn bản số 6589/BKHĐT- PC ngày 19/8/2024, cơ quan soạn thảo đã đề xuất sửa đổi quy định về chi phí cho hoạt động quy hoạch tại Điều 9 Luật Quy hoạch theo hướng bổ sung quy định cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để lập, điều chỉnh quy hoạch, trong đó quy định cụ thể kinh phí cho quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Tin rằng trong thời gian tới các quy định pháp luật liên quan đến việc bố trí kinh phí lập quy hoạch sẽ được sửa đổi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập nêu trên, tạo cơ chế linh hoạt trong việc sử dụng các nguồn ngân sách nhà nước phù hợp với tính chất của từng loại quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch./.
Hải Giang