Ngành Tư pháp Hà Tĩnh phát huy tốt vai trò cơ quan thường trực trong lĩnh vực cải cách thể chế

Cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp là một trong 3 khâu đột phá chiến lược đã được xác định tại Nghị quyết của 02 Nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh (Đại hội lần thứ XVIII và lần thứ XIX). Giai đoạn 2021-2023 là nửa đầu nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 05 năm 2021-2025.

Với vai trò là cơ quan thường trực trong lĩnh vực cải cách thể chế, ngành Tư pháp đã tranh thủ được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, bám sát các chương trình, kế hoạch, chủ động, linh hoạt chỉ đạo công tác cải cách thể chế. Nhờ đó, kết quả công tác cải cách thể chế trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2023 đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền các cấp; có tác động phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị triển khai thực hiện để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở từng lĩnh vực và từng địa phương. Bên cạnh đó, Sở cũng ban hành các văn bản hướng dẫn các sở, ngành, địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật, kịp thời định hướng các nhiệm vụ, nội dung cần thực hiện cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại các sở, ngành, địa phương. Cùng với đó, việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật được các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong việc thi hành pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành.

Công tác tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL của địa phương. Ở cấp tỉnh, từ 2021 đến nay đã thực hiện tự kiểm tra 124 văn bản QPPL do UBND cùng cấp ban hành. Qua kiểm tra cho thấy, cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nội dung văn bản theo quy định của pháp luật và đáp ứng được nhu cầu quản lý nhà nước của tỉnh. Thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền 391 văn bản do HĐND, UBND cấp huyện (trong đó có 136 văn bản QPPL), qua đó phát hiện 03 văn bản chưa phù hợp với nội dung và đã được xử lý theo quy định. Ở cấp huyện cũng thường xuyên thực hiện tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do UBND ban hành. Theo đó đã tổ chức tự kiểm tra 136 văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả tự kiểm tra không phát hiện văn bản trái pháp luật do cấp huyện ban hành.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác cải cách thể chế vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Một số cơ quan chưa chủ động thực hiện việc lập đề nghị xây dựng dự thảo văn bản; Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa kịp thời đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL, còn nặng tính truyền thống, chủ yếu xuất phát từ ý chí mong muốn từ phía cơ quan quản lý nhà nước để phục vụ nhu cầu quản lý, chưa xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của người dân; Trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, chưa cao; chưa tập trung chỉ đạo đôn đốc hiệu quả; Năng lực tham mưu về cải cách thể chế của một số cán bộ còn hạn chế, thiếu sáng tạo, chưa mạnh dạn đề xuất các giải pháp mới có tính đột phá trong cải cách thể chế; ...

Để công tác cải cách thể chế trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn, cần tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này. Trong đó, đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo thực hiện; chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng, tiến độ dự thảo văn bản khi được phân công soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; Tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Nâng cao chất lượng công tác tổ chức lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, dự thảo văn bản và các tổ chức, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn bằng các hình thức phù hợp; Tổ chức truyền thông kịp thời, hiệu quả quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành, đặc biệt các chính sách có tác động lớn đến xã hội; Nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu thực hiện công tác cải cách hành chính nói chung, công tác cải cách thể chế nói riêng.

Với một số nhiệm vụ giải pháp nêu trên tin tưởng rằng, công tác cải cách thể chế trong thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà và ngày càng khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của ngành Tư pháp trong lĩnh vực công tác này./.

Kiều Oanh

 TIN TỨC LIÊN QUAN