Ngành Tư pháp Hà Tĩnh tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước

Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do các cấp phát động, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Tư pháp Hà Tĩnh đã tích cực, chủ động triển khai các phong trào thi đua yêu nước. Theo đó đã phát động 05 phong trào thi đua chuyên đề và tiếp tục tổ chức 04 phong trào thi đua thường xuyên. Các phong trào này đã được toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong ngành nhiệt tình hưởng ứng, ra sức thi đua và đạt được nhiều kết quả quan trọng, điển hình là các phong trào thi đua “Ngành Tư pháp Hà Tĩnh đoàn kết, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, vượt khó, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao năm 2023”; “Ngành Tư pháp chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Ngành Tư pháp Hà Tĩnh đồng thuận, hợp tác, trách nhiệm vì người nghèo và công tác giảm nghèo”; “Cán bộ Tư pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp thi đua thực hiện văn hóa công sở”.


Công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp tổ chức ký kết đăng ký các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng năm 2023

Phong trào thi đua “Ngành Tư pháp Hà Tĩnh đoàn kết, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, vượt khó, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao năm 2023” đã đạt những kết quả trên các lĩnh vực công tác. Các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành Tư pháp trong 6 tháng đầu năm cơ bản được hoàn thành, góp phần thực hiện tốt mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Trong đó nổi bật là việc ngành Tư pháp đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động và văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019 – 2023; tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác văn bản và hỗ trợ về pháp lý cho doanh nghiệp bằng việc tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức chi trong hai lĩnh vực công tác này. Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã chỉ đạo các đơn vị địa phương chú trọng tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, các vấn đề mang tính thời sự, thiết yếu, được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận, các lĩnh vực trọng tâm trong kế hoạch chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, đã ký kết Chương trình phối hợp PBGDPL với 09 cơ quan, đơn vị và tổ chức triển khai có chất lượng, hiệu quả; Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch và chỉ đạo triển khai Hội thi Hòa giải viên giỏi năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh. Trong công tác hành chính và bổ trợ tư pháp, đã tích cực tổ chức thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã triển khai Cuộc vận động tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Nội dung chứng thực điện tử bản sao từ bản chính nhằm phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia thường xuyên được chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện. Đến nay, 100% các đơn vị cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nội dung này, Hà Tĩnh đứng thứ 15 trên cả nước về số lượng chứng thực điện tử với 39.817 lượt. Thực hiện trang cấp thiết bị và bố trí nhân lực phục vụ đầy đủ, kịp thời yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp ngày càng tăng cao của người dân. Trong 6 tháng đầu năm, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 19.503 hồ sơ đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp (tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2022). Việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công trực tuyến được người dân ứng dụng hiệu quả, đã tiếp nhận 2.511 hồ sơ (Chiếm 13,7%/tổng số hồ sơ tiếp nhận không bao gồm hồ sơ trực tuyến), trả kết quả 9.737 hồ sơ qua dịch vụ bưu chính (đạt tỷ lệ 52,1%), tiếp nhận và giải quyết 1.126 hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình (tăng 61% so với cùng kỳ năm 2022). Trong công tác trợ giúp pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã thực hiện tư vấn, hướng dẫn 91 vụ việc cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, 383 vụ việc cho người không thuộc diện được trợ giúp pháp lý có yêu cầu; tham gia tố tụng và đã hoàn thành 96/191 vụ việc. Trong nhiều vụ án hình sự, các ý kiến tranh tụng và đề xuất của Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư ký hợp đồng tham gia trợ giúp pháp lý đã được Tòa án chấp nhận xem xét giảm hình phạt tù, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ; bảo vệ thành công quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án dân sự, hôn nhân, gia đình, góp phần bảo đảm tính khách quan trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

Phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục được Sở Tư pháp quan tâm chỉ đạo thực hiện. Sở đã ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025, đồng thời tiến hành thẩm định tiêu chí 18.5 về chuẩn tiếp cận pháp luật 28 xã tại địa bàn 08 đơn vị cấp huyện và 01 huyện nông thôn mới. Sở cũng đã tham gia phối hợp đỡ đầu, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê.

Sở Tư pháp trao quà hỗ trợ Thôn 1, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng phong trào thi đua Ngành Tư pháp Hà Tĩnh đồng thuận, hợp tác, trách nhiệm vì người nghèo và công tác giảm nghèo, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các Phòng, Trung tâm và công chức, viên chức, người lao động đã vận động, quyên góp, trao 105 suất quà, trị giá 52,5 triệu cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở các xã: Đức Bồng huyện Vũ Quang; Tân Dân và Đức Đồng huyện Đức Thọ; xã Hương Bình huyện Hương Khê. Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo đặc biệt được quan tâm thực hiện với mục tiêu nâng cao hiểu biết pháp luật, dân trí pháp lý, tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên trong việc tiếp cận pháp luật; đảm bảo các đối tượng là người nghèo được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình. Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 27 trường hợp có khó khăn về tài chính.

Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, trong 6 tháng đầu năm 2023, Lãnh đạo Sở Tư pháp tiếp tục phát động phong trào thi đua Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minhsâu rộng trong công chức, viên chức, người lao động của ngành. Sở đã tổ chức cho toàn thể Đảng viên và quần chúng học tập các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ đạo cán bộ, Đảng viên ký cam kết và thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Gắn việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn, nhất là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, tham ô, tham nhũng trong cơ quan. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, chính trị, nêu cao tính chủ động, tự giác trong học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của mỗi cá nhân.

Ngoài các phong trào trên, Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua Công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp Hà Tĩnh thi đua thực hiện văn hóa công sở với việc quán triệt, xây dựng hình ảnh người công chức, viên chức ngành Tư pháp đạo đức, chuyên nghiệp, hiện đại, sáng tạo, luôn tận tụy, hết lòng phục vụ người dân, doanh nghiệp, cùng với đó là việc giữ gìn, xây dựng cảnh quan trụ sở, trồng thêm hệ thống cây xanh, tạo ra môi trường làm việc văn minh, lịch sự, không khói thuốc lá, hạn chế rác thải nhựa.

Có thể thấy rằng, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Tư pháp Hà Tĩnh đã chủ động, tích cực triển khai các phong trào thi đua yêu nước, từ đó khơi dậy tinh thần, ý thức học tập, làm việc của công chức, viên chức, người lao động, tạo nên không khí thi đua sôi nổi giữa các tập thể, cá nhân, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Ngành, địa phương, tạo nền tảng quan trọng cho thời gian tiếp theo./.

Kiều Oanh

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 20/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1143/QĐ-BTP hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu “tiếp cận pháp luật” trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh. Kèm theo Quyết định này có ba Phụ lục hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu “tiếp cận pháp luật” trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh, bao gồm:
Để động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân trong ngành Tư pháp cố gắng nỗ lực, phấn đấu, hoàn thành vượt tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 818/QĐ-BTP ngày 10/5/2024 về ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua cao điểm “Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Kế hoạch số hóa dữ liệu hộ tịch”.
Sáu tháng đầu năm 2024 công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tiếp tục được Sở Tư pháp triển khai đồng bộ và hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực về hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong công tác nuôi con nuôi, ngày 03/5/2024 Sở Tư pháp đã ban hành Văn bản số 796/STP-HC&BTTP đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ trong công tác nuôi con nuôi.
Chiều ngày 06/5/2024, Sở Tư pháp đã phối hợp với Làng Trẻ em mồ côi tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ giao, nhận trẻ em làm con nuôi người nước ngoài. Tham dự buổi lễ có đồng chí Đinh Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Làng Trẻ em mồ côi, cha mẹ nuôi người Anh và các cán bộ, nhân viên của Làng Trẻ.
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo (Đề án 06); Thông báo Kết luận số 1186/TB-TCTTKĐA06 ngày 23/02/2024 về kết luận họp giao ban Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Văn bản số 859/CV-TCTTKĐA ngày 31/01/2024 về tuyên truyền, tập huấn sử dụng ứng dụng tài khoản định danh điện tử VneID, ngày 15/3/2024 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1398/UBND-NC1, trong đó yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục nêu cao quyết tâm chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 06 tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong năm 2024; Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Chỉ thị số 04/CT-TTg nêu trên của Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, tổ chức kiểm điểm và có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là đối với những nhiệm vụ chậm, muộn tiến độ, có giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” đảm bảo các nhiệm vụ thực hiện đúng tiến độ đề ra.