Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một nội dung của cải cách hành chính. Nội dung này phản ánh rõ nhất mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân; có tác động lớn đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo tính minh bạch, loại bỏ những rào cản và cắt giảm chi phí khi thực hiện; củng cố môi trường kinh doanh và tăng chỉ số năng lực cạnh tranh.
Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 đã đề ra yêu cầu cải cách quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, kể cả thủ tục nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh; tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác cải cách TTHC, trước hết phải thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC. Kiểm soát TTHC là việc xem xét, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về TTHC, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện TTHC. Công tác này gồm các hoạt động chủ yếu như: công bố, công khai TTHC, kiểm soát quy trình giải quyết TTHC, tiếp nhận phản ánh kiến nghị, rà soát đơn giản hóa TTHC. Làm tốt công tác kiểm soát TTHC sẽ góp phần đơn giản hóa các TTHC, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng đó, trong những năm qua, công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, hướng dẫn, đôn đốc thường xuyên của Văn phòng UBND tỉnh, trong đó, công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC là một trong những nội dung được tập trung triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực.
Tại Quyết định số 3504/QĐ-UBND ngày 22/10/2021 của UBND tỉnh ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030 đã xác định mục tiêu đến năm 2025: “Đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020”. Theo đó, hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch kiểm soát TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thực hiện việc rà soát, đơn giản hóa TTHC.
Thực hiện các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác kiểm soát TTHC nói chung, rà soát, đơn giản hóa TTHC nói riêng, trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã đặc biệt quan tâm triển khai công tác này và đạt được những kết quả tích cực. Hàng năm, Sở Tư pháp đều ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC của đơn vị, trong đó xác định những TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở thường xuyên phát sinh hồ sơ, có trình tự thực hiện, thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện giải quyết TTHC còn phức tạp, thời gian giải quyết còn dài để đưa vào Kế hoạch rà soát trong năm, trên cơ sở kết quả rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa TTHC đề xuất UBND tỉnh tổng hợp trình cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương phê duyệt, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia giải quyết TTHC. Riêng năm 2023, Sở Tư pháp xác định đưa vào rà soát 05 TTHC, gồm: 1) Thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam; (2) Cấp thẻ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý; (3) Cấp lại thẻ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý; (4) Đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động sau khi hợp nhất, sáp nhập Văn phòng Thừa phát lại; (5) Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động sau khi chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại.
Sau khi thực hiện rà soát, có 03/05 TTHC được cắt giảm thời gian giải quyết; 03/05 TTHC đề xuất cắt giảm thành phần hồ sơ; 02/05 TTHC đề xuất sửa đổi trình tự thực hiện. Theo đó, đối với TTHC “Cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý” và “Cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý”: Trong quá trình thực hiện, Sở nhận thấy trình tự, thủ tục Cấp/cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý được thực hiện khá đơn giản, do đó để rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, Sở Tư pháp đề xuất phân cấp thẩm quyền quyết định giải quyết TTHC từ Giám đốc Sở Tư pháp sang Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý.
Đối với TTHC “Đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động sau khi hợp nhất, sáp nhập Văn phòng Thừa phát lại”: Trong quá trình thực hiện TTHC này, Sở nhận thấy khi UBND tỉnh ban hành Quyết định cho phép sáp nhập, hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại sẽ gửi cho Sở Tư pháp 01 bản để lưu trữ phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước. Vậy nên khi Văn phòng Thừa phát lại thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, không cần thiết phải nộp thành phần hồ sơ “Quyết định cho phép hợp nhất, sáp nhập Văn phòng Thừa phát lại”. Trên cơ sở đó, Sở đề xuất bãi bỏ thành phần hồ sơ “Quyết định cho phép hợp nhất, sáp nhập Văn phòng Thừa phát lại”. Đối với TTHC “Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động sau khi chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại”. Trong quá trình thực hiện TTHC này, Sở nhận thấy khi UBND tỉnh ban hành Quyết định cho phép chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại sẽ gửi cho Sở Tư pháp 01 bản để lưu trữ phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước. Do đó, khi Văn phòng Thừa phát lại thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, không cần thiết phải có Quyết định cho phép chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại. Trên cơ sở đó, Sở đề xuất bãi bỏ thành phần hồ sơ “Quyết định cho phép chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại”.
Đối với TTHC “Thủ tục Cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam”. Qua nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn thực hiện TTHC, Sở nhận thấy theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp thì Sở Tư pháp gửi Phiếu xác minh lý lịch tư pháp kèm theo 01 bộ hồ sơ cho cơ quan Công an cùng cấp. Tuy nhiên, hiện nay địa phương đã thực hiện chuyển hồ sơ qua hệ thống thư điện tử và đã có danh sách tra cứu cũng như các hồ sơ kèm theo. Thực tế cơ quan Công an cũng chỉ sử dụng danh sách tra cứu và các hồ sơ, trả lời kết quả tra cứu dưới dạng Công văn trong đó có danh sách những người được đề nghị tra cứu, không trả lời theo Mẫu số 04/TTLT-LLTP thông báo kết quả xác minh thông tin lý lịch tư pháp. Đối với các hồ sơ Sở Tư pháp gửi tra cứu tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cũng chỉ yêu cầu gửi danh sách đề nghị tra cứu và hồ sơ, không yêu cầu gửi Phiếu xác minh này. Do đó, việc gửi Phiếu xác minh lý lịch tư pháp là không cần thiết, mất thời gian và chi phí in phiếu, trình ký, đóng dấu và scan chuyển. Trên cơ sở đó, Sở đã đề xuất bãi bỏ thành phần hồ sơ “Phiếu xác minh lý lịch tư pháp đối với các hồ sơ gửi tra cứu thông tin tại cơ quan Công an; bỏ Mẫu số 03/TTLT-LLTP và Mẫu số 04/TTLT-LLTP ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp”. Sau khi thực hiện rà soát, Sở Tư pháp đã xây dựng phương án và biểu tính toán chi phí tuân thủ TTHC cụ thể gửi Văn phòng UBND tỉnh để tổng hợp chung, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Xác định việc rà soát, đơn giản hóa TTHC là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thành công nhiệm vụ cải cách hành chính nói chung, kiểm soát TTHC nói riêng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của cơ quan hành chính nhà nước, do đó, trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tập trung thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác này./.
Ngọc Anh