Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở tại huyện Cẩm Xuyên

 Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Sau 10 năm thực hiện Luật này, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả, góp phần duy trì những tình cảm, truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong mỗi gia đình và cộng đồng dân cư, ngăn ngừa kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, ổn định trật tự xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

          Sau khi Quốc hội thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 362/QĐ-UBND ngày 20/11/2013 về triển khai thực hiện Luật trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định cụ thể các nội dung cần thực hiện và phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và địa phương. Đồng thời, đã tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở như: Chỉ thị số 02/CT-TU ngày 04/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; Nghị quyết số 166/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của HĐND tỉnh quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch công tác hòa giải ở cơ sở hoặc lồng ghép trong kế hoạch công tác tư pháp để các địa phương, đơn vị thực hiện đảm bảo thống nhất và đồng bộ. Đồng thời, tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh chọn công tác hòa giải ở cơ sở là một trong các nội dung được tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra. Sở Tư pháp và UBMTTQ tỉnh, UBND cấp huyện và UBMTTQ cùng cấp cũng đã tổ chức ký kết các chương trình phối hợp trong công tác hòa giải và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

          Để Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền và phổ biến Luật này đã được quan tâm triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng như: tổ chức hội nghị, hội thi, tọa đàm, cấp phát tài liệu, đĩa CĐ, xây dựng các chương trình phát sóng trên phương tiện thông tin đại chúng, đăng tải tài liệu qua hệ thống cổng/trang thông tin điện tử… Đặc biệt, gắn với công tác tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp đã 2 lần tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi dưới hình thức sân khấu hóa (năm 2018 và năm 2023). Các Hội thi được các địa phương tích cực hưởng ứng và để lại dấu ấn sâu sắc trong cán bộ và Nhân dân, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng, góp phần tôn vinh công tác hòa giải ở cơ sở và những người làm công tác này. UBMTTQ các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng đã thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hòa giải, đồng thời khuyến khích, động viên thành viên, hội viên tích cực tham gia công tác này.  Việc quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Luật Hòa giải ở cơ sở đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và của cán bộ, Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, người dân từng bước ưu tiên sử dụng phương thức hòa giải cơ sở để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, trong cộng đồng dân cư.

          Công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở ngày càng được chú trọng và nâng cao về chất lượng, đảm bảo hướng dẫn kịp thời, theo dõi, kiểm tra thường xuyên, khen thưởng khách quan theo đúng quy định. Các tổ hòa giải được rà soát, kiện toàn khi có thay đổi nhân sự hoặc có các yếu tố khác ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức. Đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có 1.964 tổ hòa giải với 13.031 hòa giải viên. Để nâng cao năng lực cho người làm công tác hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp và các địa phương đã tổ chức nhiều hình thức để tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ này. Trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp đã phối hợp với Hội Luật gia tỉnh và các cơ quan có liên quan tổ chức khoảng 60 Hội nghị, UBND cấp huyện tổ chức gần 350 hội nghị, trong đó đã tập trung trang bị kiến thức pháp luật về quy trình hòa giải, pháp luật trên các lĩnh vực thường gặp trong công tác hòa giải. Xây dựng và phát hành 4.000 cuốn tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ, 4.000 cuốn Sổ tay dành cho hòa giải viên, trong đó giới thiệu các quy định của pháp luật và các kỹ năng cần thiết trong quá trình hòa giải các vụ việc. Ngoài ra còn xây dựng và cấp phát đĩa tuyên truyền các tiểu phẩm hòa giải để các xã, phường, thị trấn sao lưu, phát cho các tổ hòa giải. Hàng năm, Phòng Tư pháp cấp huyện tổ chức biên soạn đề cương các văn bản mới và các chính sách quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân cấp phát cho hòa giải viên. Từ năm 2014 đến nay, UBND cấp huyện, cấp xã cấp phát gần 40 ngàn tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, chất lượng của đội ngũ hòa giải viên đã được nâng lên đáng kể, hoạt động hoà giải ngày một đi vào nề nếp, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 14.944 vụ, việc, trong đó đã hòa giải thành 12.333 vụ việc, đạt tỷ lệ 82,5%. Nguồn lực đầu tư cho công tác này được quan tâm hơn trước, bên cạnh đảm bảo hỗ trợ cho các tổ hòa giải hoạt động còn hỗ trợ kịp thời các hòa giải viên trong các vụ việc hòa giải thành, từ đó khích lệ, động viên các hòa giải viên phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng. Nhờ hòa giải thành công nhiều mâu thuẫn, tranh chấp, công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần giữ gìn đạo lý, truyền thống tốt đẹp trong mỗi gia đình, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong quá trình hòa giải, các hòa giải viên còn tuyên truyền, vận động các bên chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội.

          Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: một số cấp ủy, chính quyền còn thiếu sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa thực sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác này; Việc xây dựng, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên có nơi chưa đảm bảo kịp thời; Số lượng hòa giải viên tuy đông nhưng năng lực, nhiệt huyết không đồng đều, một số hòa giải viên còn thiếu sự chủ động trong việc cập nhật kiến thức pháp luật; Sự tham gia của đội ngũ luật gia, luật sư, chuyên gia vào công tác hòa giải ở cơ sở còn ít. Sự phối hợp giữa hòa giải viên với công chức cấp xã, công an xã vẫn còn hạn chế. Việc xây dựng điển hình, tôn vinh hòa giải viên giỏi thực hiện chưa thường xuyên; Kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ….

          Hiện nay tỉnh ta đang tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX và Đề án xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt tỉnh NTM, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ quan trọng này và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì việc tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân là yếu tố nền tảng, là tiền đề cho quá trình thực hiện. Do đó, bên cạnh khắc phục các khó khăn, hạn chế, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phổ biến, quán triệt nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải. Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các địa phương rà soát, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, đầu tư kinh phí, bố trí nguồn lực đảm bảo cho công tác này. Chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình trong công tác hòa giải ở cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên. Tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh kịp thời khen thưởng, tôn vinh các hòa giải viên có thành tích xuất sắc. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng các mô hình hòa giải gắn với mô hình dân vận khéo; xây dựng các diễn đàn, sân chơi để tôn vinh và tạo điều kiện cho các hòa giải viên gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

          Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, tin tưởng rằng trong thời gian tới công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp tục được nâng cao chất lượng, hiệu quả góp phần tích cực trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tạo môi trường để kinh tế, xã hội tỉnh nhà phát triển./

                                                         Đinh Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), chiều ngày 20/6/2024, đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp đến tặng hoa và chúc mừng Báo Hà Tĩnh và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.
Chiều 6/6, Quốc hội thống nhất phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm ông Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
Gần 500 đại biểu là chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn Hà Tĩnh đã được phổ biến các kiến thức pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Thực hiện nhiệm vụ định kỳ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020 và các Nghị định quy định chi tiết, ngày 15/5/2024 tại thành phố Hà Nội, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) kỳ 2019-2023. Hội thảo do đồng chí Hồ Quang Huy - Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL và đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL chủ trì.
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (Viện KAS), ngày 17/5/2024 tại thành phố Hà Nội, Bộ Tư pháp và Viện KAS tổ chức Hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2025 - 2030”. Chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính (QLXLVPHC) và theo dõi THPL Nguyễn Quốc Hoàn và ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam.
Chiều ngày 17/5/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị do đồng chí Đinh Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở chủ trì, với sự tham gia của các đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, lãnh đạo các Phòng, Trung tâm thuộc Sở Tư pháp và lãnh đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã.