Chuyển đổi số ngành Tư pháp: Nâng cao chất lượng dịch vụ công

Nhằm triển khai toàn diện, hiệu quả, đúng mục tiêu Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong Ngành Tư pháp, chiều 28/9, Báo Pháp luật Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Bộ Tư pháp tổ chức Toạ đàm “Chuyển đổi số ngành Tư pháp”. Tham dự Toạ đàm có ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp; PGS.TS Phạm Văn Hải, Viện Công nghệ thông tin và truyền thông – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; ông Nguyễn Trung Dũng, Trưởng phòng Phần mềm và cơ sở dữ liệu, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp.

Mục tiêu 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Theo PGS.TS Phạm Văn Hải, Viện Công nghệ thông tin và truyền thông – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cách thức vận hành nhằm thay đổi hành vi trên quy mô lớn của tổ chức, doanh nghiệp với bản chất của chuyển đổi số là sáng tạo. Việc số hoá quá trình để tối ưu hoá các hoạt động, quy trình của tổ chức, doanh nghiệp. Đối với chính phủ, chuyển đổi số mang lại lợi ích và nhiệm vụ cấp thiết giải pháp phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Qua đó, công dân sẽ được trao nhiều quyền lợi hơn, hướng đến cuộc sống chất lượng qua các sản phẩm, dịch vụ số của các cơ quan nhà nước cung cấp, từng bước hình thành Xã hội số.

PGS.TS Phạm Văn Hải, Viện Công nghệ thông tin và truyền thông – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Tại Toạ đàm, ông Nguyễn Trung Dũng, Trưởng phòng Phần mềm và cơ sở dữ liệu, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp đã chia sẻ về mục tiêu cơ bản đến năm 2025, năm 2030 của kế hoạch chuyển đổi số ngành Tư pháp. Cụ thể là, 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cơ quan được xử lý trên môi trường mạng; 100% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử Ngành Tư pháp được xây dựng và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của Ngành Tư pháp quản lý.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Trong giai đoạn vừa qua, ngành Tư pháp đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các ứng dụng được xây dựng tập trung, thống nhất, dùng chung trên phạm vi toàn quốc từ Trung ương tới cấp xã với hàng chục ngàn tài khoản sử dụng thường xuyên.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Trưởng phòng Phần mềm và cơ sở dữ liệu, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết, để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng dịch vụ công của Ngành Tư pháp, trong giai đoạn 2021-2025, ngành Tư pháp sẽ lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số: cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; hệ thống thông tin về PBGDPL; hệ thống thông tin về thi hành án dân sự; Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

Cập nhật dữ liệu “sống”

Nhấn mạnh việc xây dựng các phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử, số hoá sổ, hồ sơ đăng ký hộ tịch là rất cấp thiết, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp chia sẻ, trong thời gian qua, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hộ tịch là việc xây dựng, triển khai và áp dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung (miễn phí) trên toàn quốc.

Từ tháng 10/2020 đến nay, tất cả các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch (11.000 UBND cấp xã, trên 700 Phòng tư pháp cấp huyện và 63 Sở Tư pháp) với trên 18.000 tài khoản người dùng đã sử dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử. Phần mềm này đã giúp giải quyết hầu hết các nghiệp vụ đăng ký hộ tịch theo Luật hộ tịch trên hệ thống mạng, máy tính và được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh. Hiện nay, người dân có thể thực hiện nhiều thủ tục đăng ký hộ tịch theo phương thức trực tuyến.

Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp

Đặc biệt là Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) để lấy số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh ngay từ khi Luật hộ tịch có hiệu lực (01/01/2016). Qua đó cung cấp nguồn thông tin hộ tịch đầu vào, cập nhật dữ liệu “sống” cho CSDLQGVDC. Tuy nhiên, hiện nay trước yêu cầu của Luật hộ tịch và Nghị định 87/2020/NĐ-CP đã cho thấy có CSDLHTĐT hiện có rất nhiều tồn tại, hạn chế, do đó, Bộ trưởng Tư pháp đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Nâng cấp CSDLHTĐT toàn quốc” với nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025), dự kiến thực hiện trong năm 2022 và năm 2023, đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh việc số hoá sổ hộ tịch lịch sử.

Trong thời gian tới, khi CSDLHTĐT được hoàn thiện, sẽ đáp ứng được nhu cầu đăng hộ tịch, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử của người dân và góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực hộ tịch. Từ đó, tạo đà cho công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực quốc tịch, chứng thực cũng như các lĩnh vực hành chính tư pháp khác của Bộ Tư pháp được nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg quy định lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là ngày Chuyển đổi số Quốc gia. Ngày chuyển đổi số quốc gia được tổ chức nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số và thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Xác thực hai yếu tố (2FA) từng được xem là lá chắn vững chắc bảo vệ tài khoản của người dùng. Tuy nhiên, với sự tinh vi ngày càng tăng của các cuộc tấn công mạng, lớp bảo vệ này đang dần trở nên mong manh.