Công tác trợ giúp pháp lý tại tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn chuyển đổi số
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đang tích cực triển khai công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) nhằm đảm bảo quyền lợi pháp lý cho người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế. Trong những năm gần đây, cùng với xu hướng chuyển đổi số quốc gia, công tác TGPL tại Hà Tĩnh đã có những chuyển biến quan trọng, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng phạm vi tiếp cận của người dân với các dịch vụ pháp lý. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ vào TGPL tại địa phương cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều chuyển biến, thay đổi quyết liệt trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị - giải thể cơ quan công an cấp huyện.
Bên cạnh đó, theo chủ trương của Trung ương về việc tinh giản bộ máy hành chính, việc giải thể chính quyền cấp huyện trong tương lai có thể ảnh hưởng trực tiếp đến công tác TGPL, đặc biệt là trong việc phối hợp xử lý các vụ việc, tổ chức truyền thông pháp luật và hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ pháp lý. Do đó, việc đẩy mạnh chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn giúp TGPL thích nghi với bối cảnh mới, mang lại hiệu quả cao hơn trong công tác TGPL.
Người dân tham gia buổi truyền thông của Trung tâm TGPL Nhà nước
tại địa bàn huyện Hương Sơn
Hà Tĩnh đã có những bước đi đầu tiên trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào TGPL, bước đầu triển khai một số hình thức tư vấn pháp lý trực tuyến qua các nền tảng điện tử và điện thoại. Bên cạnh đó, Trung tâm TGPL đã tổ chức các đợt tuyên truyền, tư vấn pháp lý miễn phí tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, giúp nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân (Theo số liệu thống kê kỳ báo cáo năm 2024, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã thực hiện 116 cuộc truyền thông). Hiện nay, Hà Tĩnh có đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL có chuyên môn được đào tạo chính quy bài bản, tham gia tư vấn, bào chữa, bảo vệ miễn phí cho người thuộc diện được TGPL. Việc đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ này cũng được thực hiện thường xuyên.
Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ hỗ trợ TGPL, còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các dịch vụ TGPL trực tuyến. Hơn nữa, sự chênh lệch về khả năng tiếp cận công nghệ giữa các khu vực thành thị và nông thôn vẫn còn lớn. Việc sáp nhập, giải thể các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có công an cấp huyện, ảnh hưởng đến sự phối hợp trong xử lý các vụ việc TGPL, đặc biệt là những vụ án hình sự có người thuộc diện TGPL trong thời gian đầu. Một số người dân, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, chưa quen với việc sử dụng các dịch vụ TGPL trực tuyến hoặc chưa nhận thức được quyền lợi của mình khi sử dụng TGPL. Thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ người dân thuộc diện được TGPL vẫn chưa biết đến dịch vụ này, và khả năng tiếp cận qua các kênh trực tuyến còn hạn chế. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc phổ biến thông tin và nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi trợ giúp pháp lý. Số lượng trợ giúp viên pháp lý còn hạn chế, chưa thể đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Mặc dù đã có sự tham gia của các luật sư cộng tác viên, nhưng việc thiếu nhân sự chính quy vẫn là một vấn đề lớn.
TGVPL tham gia phiên tòa trực tuyến bào chữa cho bị cáo
Để nâng cao hiệu quả công tác TGPL tại Hà Tĩnh, việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng. Việc triển khai hiệu quả các phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội cũng là một trong những giải pháp quan trọng, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các vụ việc TGPL, đặc biệt là các vụ án hình sự có người thuộc diện cần được trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, mở rộng hệ thống tư vấn trực tuyến thông qua tổng đài điện thoại và các nền tảng mạng xã hội cũng giúp người dân dễ dàng tiếp cận TGPL từ xa.
Triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho trợ giúp viên pháp lý, bao gồm các khóa bồi dưỡng định kỳ về pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ, các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ trong công tác TGPL. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác với các trường đại học luật và các tổ chức đào tạo pháp lý khác để cập nhật kiến thức mới nhất cho đội ngũ thực hiện TGPL.
Công tác tuyên truyền về TGPL cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để phổ biến thông tin về TGPL sẽ giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn. Các chương trình tập huấn, hội thảo chuyên đề cũng cần được tổ chức để giúp người dân hiểu rõ về quyền lợi và cách thức tiếp cận TGPL.
Người dân đọc tài liệu pháp luật do Trung tâm TGPL Nhà nước biên soạn, cấp phát tại buổi truyền thông
Để công tác TGPL phát huy hiệu quả cao hơn, cần có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Việc triển khai hiệu quả phiên tòa trực tuyến sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo quyền lợi pháp lý của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và minh bạch hơn./.
Nguyễn Thị Phương Thảo - Trung tâm TGPL Nhà nước Hà Tĩnh