Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý

Sau khi Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực. Một số Điều của Luật Trợ giúp pháp lý đã được quy định chi tiết, cụ thể: điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý; tổ chức và hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước; chế độ, chính sách đối với Trợ giúp viên pháp lý và thù lao, bồi dưỡng, chi phí thực hiện vụ việc TGPL cho người thực hiện TGPL; thủ tục thanh toán vụ việc TGPL; thủ tục cấp, thu hồi và cấp lại thẻ Cộng tác viên TGPL… Từ đó, việc triển khai thực hiện một số hoạt động TGPL trở nên đồng bộ, thuận lợi hơn.

Việc triển khai thực hiện Nghị định số 144/2017/NĐ-CP đã góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả công tác TGPL trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tiễn qua gần 6 năm thực hiện Nghị định vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế:

          Thứ nhất, một số quy định về điều kiện thành lập Chi nhánh của Trung tâm TGPL Nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, như: “dựa vào nhu cầu trợ giúp pháp lý dài hạn của người dân tại nơi dự kiến thành lập”, “danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ, huyện nằm cách xa Trung tâm”“không đạt tiêu chí giao thông theo hướng dẫn thực hiện tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới của cơ quan có thẩm quyền”. Một số quy định điều kiện thành lập Chi nhánh của Trung tâm TGPL Nhà nước chưa phù hợp như, quy định điều kiện thành lập Chi nhánh phải có “cơ sở vật chất, bảo đảm sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước. Do đó, dẫn đến việc khó khăn trong việc thực hiện.

Thứ hai, nhiều người đã nghỉ hưu đủ điều kiện trở thành Cộng tác viên TGPL, có nguyện vọng thực hiện TGPL nhưng không ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên không đủ điều kiện để được cấp thẻ Cộng tác viên TGPL. Do đó, quy định này đã thu hẹp số lượng đội ngũ Cộng tác viên TGPL nói riêng, số lượng đội ngũ người thực hiện TGPL nói chung.

          Thứ ba, chế độ đãi ngộ của viên chức Trung tâm TGPL Nhà nước thấp hơn so với thu nhập của công chức (không có phụ cấp công vụ). Bên cạnh đó, Trung tâm TGPL Nhà nước là đơn vị sự nghiệp không có nguồn thu, nên không có kinh phí để tăng thu nhập cho viên chức, vì vậy chưa động viên, khuyến khích được viên chức Trung tâm. Ngoài ra, chuyên viên TGPL vẫn thực hiện các hoạt động về TGPL nhưng không có phụ cấp trách nhiệm, không được cấp trang phục riêng hàng năm.

Thứ tư, một số nội dung, hoạt động thực hiện TGPL trên thực tế nhưng chưa được quy định trong Nghị định số 144/2017/NĐ-CP, Thông tư số 02/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc TGPL  như: Chưa quy định nội dung thực hiện các công việc thực tế làm việc vào thứ 7, chủ nhật, ngày lễ, ngoài giờ hành chính; xác định phân loại tội phạm trong cùng một vụ việc có nhiều văn bản tố tụng định tội danh ở khung hình phạt khác nhau đối với cách tính thời gian theo buổi thực tế; quy định về việc xác nhận thời gian tham gia phiên toà trực tuyến khi người thực hiện TGPL tham gia phiên toà tại các điểm cầu thành phần; quy định về việc xác nhận thời gian nghiên cứu hồ sơ tại Trung tâm cho Luật sư ký hợp đồng với Trung tâm; quy định về thời gian làm việc với người tiến hành tố tụng trong trường hợp thực hiện TGPL cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội ở thời điểm bắt, tạm giữ người, bị hại theo quy định của pháp luật tố tụng,… Do đó, dẫn đến việc khó khăn trong việc triển khai, thực hiện.

Thứ sáu, nhóm người là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của Liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ, người nhiễm chất độc da cam hầu hết được hưởng chính sách ưu đãi người có công nên thường không thuộc hộ cận nghèo hoặc không được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. Tại khoản 1 Điều 6 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định: “Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân quan tâm, giúp đỡ và thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng”. Do vậy, quy định điều kiện khó khăn về tài chính đối với nhóm người này chưa đảm bảo được hết chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

Thứ bảy, nhóm người là người bị bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người, người khuyết tật theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống mua bán người và Luật Người khuyết tật, người bị bạo lực gia đình có quyền được trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, quy định tại khoản 7 Điều 7 của Luật TGPL, những nhóm diện người này phải có khó khăn về tài chính (thuộc hộ cận nghèo hoặc đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP) mới đủ điều kiện là người được TGPL. Do vậy, quy định điều kiện khó khăn về tài chính đối với những diện người này theo pháp luật TGPL chưa đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống mua bán người và Luật Người khuyết tật, nên chưa đảm bảo được quyền lợi trong thực hiện trợ giúp pháp lý cho những nhóm người nêu trên.

Để khắc phục những bất cập, tồn tại trên của Nghị định số 144/2017/NĐ-CP, góp phần nâng cao năng lực, chất lượng và từng bước chuyên nghiệp hoá công tác TGPL trong thời gian tới, cần sửa đổi, bổ sung Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 144/2017/NĐ-CP và một số văn bản liên quan theo hướng:

          1. Quy định rõ các quy định về điều kiện thành lập Chi nhánh của Trung tâm TGPL Nhà nước, như: dựa vào nhu cầu TGPL dài hạn của người dân tại nơi dự kiến thành lập; danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ; huyện nằm cách xa Trung tâm và không đạt tiêu chí giao thông theo hướng dẫn thực hiện tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới của cơ quan có thẩm quyền.

          2. Mở rộng điều kiện cấp thẻ Cộng tác viên TGPL, bỏ quy định “ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” đối với thủ tục cấp thẻ Cộng tác viên TGPL nhằm tăng cường số lượng người thực hiện TGPL.

          3. Quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các chuyên viên TGPL, bổ sung đội ngũ chuyên viên là người thực hiện TGPL (chỉ thực hiện các hình thức thực hiện TGPL khác, không tham gia tố tụng). Vì thực tế, hiện nay tại các Trung tâm TGPL Nhà nước, đội ngũ chuyên viên hoạt động rất chuyên nghiệp và đóng vai trò quan trọng trong công tác tham mưu triển khai thực hiện các hoạt động TGPL. Tuy nhiên, họ chỉ đóng vai trò tham mưu, giúp việc cho các Trợ giúp viên pháp lý (không được tư vấn cho đối tượng được TGPL) điều này gây lãng phí nguồn nhân lực vì họ đều là cử nhân luật, có trình độ pháp lý ngang bằng hoặc cao hơn so với đội ngũ Tư vấn viên pháp luật, Cộng tác viên TGPL.

         4. Bổ sung quy định chế độ phụ cấp thâm niên cho viên chức Trung tâm TGPL, phụ cấp trách nhiệm của chuyên viên TGPL vì Trung tâm TGPL Nhà nước là đơn vị sự nghiệp không có thu nhằm động viên, khuyến khích viên chức làm công tác TGPL. Bổ sung chế độ trang phục cho viên chức Trung tâm TGPL (không phải là Trợ giúp viên pháp lý), bổ sung áo khoác măng tô trong thành phần trang phục, vì, hiện thời tiết mùa đông Miền Bắc rất lạnh. Do đó, quá trình tham gia phiên toà các Trợ giúp viên pháp lý thường phải mặc thêm các loại áo khoác để đảm bảo sức khoẻ nên trang phục chưa được thống nhất.

          5. Bổ sung các nội dung thực hiện TGPL chưa được quy định trong Nghị định số 144/2017/NĐ-CP nhưng đã có thực hiện trong thực tế như: quy định nội dung thực hiện các công việc thực tế làm việc vào thứ 7, chủ nhật, ngày lễ, ngoài giờ hành chính; xác định phân loại tội phạm trong cùng một vụ việc có nhiều văn bản tố tụng định tội danh ở khung hình phạt khác nhau đối với cách tính thời gian theo buổi thực tế; quy định về việc xác nhận thời gian tham gia phiên toà trực tuyến khi người thực hiện TGPL tham gia phiên toà tại các điểm cầu thành phần; quy định về việc xác nhận thời gian nghiên cứu hồ sơ tại Trung tâm cho Luật sư ký hợp đồng với Trung tâm; quy định về thời gian làm việc với người tiến hành tố tụng trong trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội ở thời điểm bắt, tạm giữ người, bị hại theo quy định của pháp luật tố tụng… để việc thực hiện các nội dung này được thống nhất, đồng bộ.

7. Tham mưu sửa đổi quy định có khó khăn tài chính đối với nhóm người là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của Liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ, người nhiễm chất độc da cam nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhóm diện người này.

8. Thống nhất, sửa đổi nội dung về quy định diện người được TGPL giữa Luật TGPL và các Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Phòng, chống mua bán người và Luật Người khuyết tật tránh việc bỏ sót người thuộc diện được trợ giúp pháp lý./.

Ngọc Trâm

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Sau khi Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực. Một số Điều của Luật Trợ giúp pháp lý đã được quy định chi tiết, cụ thể: điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý; tổ chức và hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước; chế độ, chính sách đối với Trợ giúp viên pháp lý và thù lao, bồi dưỡng, chi phí thực hiện vụ việc TGPL cho người thực hiện TGPL; thủ tục thanh toán vụ việc TGPL; thủ tục cấp, thu hồi và cấp lại thẻ Cộng tác viên TGPL… Từ đó, việc triển khai thực hiện một số hoạt động TGPL trở nên đồng bộ, thuận lợi hơn.