Một số kết quả sau 04 năm thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở”

Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở” được thực hiện từ năm 2019 theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 14/8/2019 của UBND tỉnh.

Để thực hiện có hiệu quả Đề án này, hàng năm, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch công tác tư pháp, trong đó có chỉ đạo việc thực hiện Đề án, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác hòa giải ở cơ sở để các địa phương thực hiện, trong đó đề nghị UBND cấp huyện phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở, đảm bảo việc lựa chọn các hòa giải viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và thực hiện đúng quy trình bầu, công nhận hòa giải viên. Theo đó, việc kiện toàn các tổ hòa giải đã được các địa phương thực hiện nghiêm túc. Năm 2019 toàn tỉnh có 1.896 tổ hòa giải với 14.010 hòa giải viên, năm 2020 toàn tỉnh có 1.917 tổ hòa giải với 13.241 hòa giải viên, năm 2021 toàn tỉnh có 1.959 tổ hòa giải với 13.007 hòa giải viên. Hiện nay toàn tỉnh có 1.964 tổ hòa giải với 13.031 hòa giải viên.

Để đảm bảo việc nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp đã cấp phát các tài liệu do Bộ Tư pháp phát hành cho Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã để thực hiện cấp phát tại các địa phương. Năm 2020, Sở xây dựng và phát hành 4.000 cuốn tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ dành cho hòa giải viên ở cơ sở. Năm 2021, Sở phát hành 4.000 cuốn Sổ tay dành cho hòa giải viên ở cơ sở, trong đó vừa giới thiệu các quy định của pháp luật về hòa giải và giới thiệu các kỹ năng cần thiết trong quá trình hòa giải các vụ việc. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện, cấp xã cấp phát gần 20 ngàn tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

Hình thức tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho hòa giải viên được tỉnh thực hiện có hiệu quả. Sở đã phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức 01 cuộc tập huấn, phối hợp với Hội Luật gia tỉnh và UBND cấp huyện tổ chức 45 cuộc tập huấn pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên tại các địa phương. UBND cấp huyện, cấp xã đã chủ động tổ chức  gần 1.000 cuộc tập huấn pháp luật và kỹ năng cho đội ngũ này. Trong các cuộc tập huấn đã tập trung trang bị kiến thức pháp luật về quy trình hòa giải, pháp luật trên các lĩnh vực thường gặp trong công tác hòa giải ở cơ sở như đất đai, hôn nhân và gia đình, thừa kế…

 

Hội nghị tập huấn cho đội ngũ Hòa giải viên trên địa bàn huyện Thạch Hà

do Sở Tư pháp tổ chức

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở đã quan tâm thực hiện. Các bài giảng tập huấn cho hòa giải viên được sử dụng trình chiếu powerpoint sinh động, thu hút. Các tài liệu pháp luật và tài liệu bồi dưỡng kỹ năng hòa giải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp và Cổng/Trang thông tin điện tử các huyện, thành phố, thị xã để các hòa giải viên khai thác, sử dụng.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, hoạt động hoà giải đã từng bước được nâng cao về chất lượng, ngày càng đi vào nề nếp. Đội ngũ hòa giải viên luôn nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm. Từ năm 2019 đến nay, đã tiếp nhận 3.043 vụ việc, trong đó hòa giải thành 2.527 vụ việc, đạt tỷ lệ 83%. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, góp phần vào việc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, duy trì và phát huy những tình cảm, truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong mỗi gia đình và cộng đồng, ngăn chặn và phòng ngừa kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Có thể nói, sau bốn năm triển khai thực hiện, nhìn chung Đề án đã đạt được các mục tiêu đề ra. Về cơ bản cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức được đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở. Từ đó, đã chỉ đạo, hướng dẫn triển khai nghiêm túc, kịp thời. Ở cấp tỉnh và hầu hết các địa phương đã phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; chú trọng và đảm bảo giữ mối quan hệ phối hợp thường xuyên giữa các cơ quan quản lý nhà nước với Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Các địa phương đã kịp thời xây dựng, củng cố và kiện toàn các Tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên; đã chú trọng tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ hòa giải. Về cơ bản, các hòa giải viên đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm và năng lực của mình, việc hòa giải của các hòa giải viên đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, đạo đức, truyền thống văn hóa, tập quán địa phương. Thông qua hoạt động hòa giải đã giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong triển khai thực hiện Đề án vẫn còn một số hạn chế như một số cấp ủy, chính quyền còn thiếu sâu sát và kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa thực sự quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực cho công tác hòa giải ở cơ sở; một số địa phương chưa thực sự kịp thời trong việc xây dựng, củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ tham mưu quản lý nhà nước, các tổ hòa giải và hòa giải viên cũng như công tác đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ này; Vẫn có một số tổ hòa giải áp dụng chưa đầy đủ các quy định pháp luật trong quá trình hòa giải; Chưa huy động được nguồn đầu tư, hỗ trợ về kinh phí của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho công tác hòa giải ở cơ sở. Sự tham gia của đội ngũ luật gia, luật sư, chuyên gia, công chức chuyên môn của các phường, xã vào công tác hòa giải ở cơ sở chưa thường xuyên; Nguồn lực kinh phí đầu tư cho công tác hòa giải ở cơ sở nói chung và việc thực hiện Đề án nói riêng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Để khắc phục các hạn chế này, trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện nghiêm túc Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về vai trò, mục đích của công tác hòa giải ở cơ sở. Đảm bảo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt và theo dõi thi hành pháp luật về hòa giải cơ sở; kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, phổ biến với công tác vận động quần chúng Nhân dân thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật. Thường xuyên rà soát, xây dựng, củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ tham mưu quản lý nhà nước, các tổ hòa giải và hòa giải viên. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này cả về kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.Tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách cho đội ngũ tham mưu quản lý và đội ngũ hòa giải viên trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; chú trọng tăng cường thường xuyên quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan. Đồng thời chú trọng công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết và thi đua khen thưởng trong công tác này.

                                                                              Thiều Chiên

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 20/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1143/QĐ-BTP hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu “tiếp cận pháp luật” trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh. Kèm theo Quyết định này có ba Phụ lục hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu “tiếp cận pháp luật” trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh, bao gồm:
Để động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân trong ngành Tư pháp cố gắng nỗ lực, phấn đấu, hoàn thành vượt tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 818/QĐ-BTP ngày 10/5/2024 về ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua cao điểm “Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Kế hoạch số hóa dữ liệu hộ tịch”.
Sáu tháng đầu năm 2024 công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tiếp tục được Sở Tư pháp triển khai đồng bộ và hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực về hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong công tác nuôi con nuôi, ngày 03/5/2024 Sở Tư pháp đã ban hành Văn bản số 796/STP-HC&BTTP đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ trong công tác nuôi con nuôi.
Chiều ngày 06/5/2024, Sở Tư pháp đã phối hợp với Làng Trẻ em mồ côi tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ giao, nhận trẻ em làm con nuôi người nước ngoài. Tham dự buổi lễ có đồng chí Đinh Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Làng Trẻ em mồ côi, cha mẹ nuôi người Anh và các cán bộ, nhân viên của Làng Trẻ.
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo (Đề án 06); Thông báo Kết luận số 1186/TB-TCTTKĐA06 ngày 23/02/2024 về kết luận họp giao ban Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Văn bản số 859/CV-TCTTKĐA ngày 31/01/2024 về tuyên truyền, tập huấn sử dụng ứng dụng tài khoản định danh điện tử VneID, ngày 15/3/2024 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1398/UBND-NC1, trong đó yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục nêu cao quyết tâm chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 06 tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong năm 2024; Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Chỉ thị số 04/CT-TTg nêu trên của Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, tổ chức kiểm điểm và có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là đối với những nhiệm vụ chậm, muộn tiến độ, có giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” đảm bảo các nhiệm vụ thực hiện đúng tiến độ đề ra.