Một số quy định mới về tổ chức và hoạt động Văn phòng công chứng

Ngày 26/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Công chứng số 46/2024/QH15, kế thừa các quy định phù hợp của Luật Công chứng hiện hành, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục hạn chế, vướng mắc trong việc thi hành pháp luật về công chứng; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiệu quả, phù hợp với tính chất là dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện. Nhằm phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững, phân bố hợp lý, đáp ứng tốt nhu cầu công chứng của tổ chức, cá nhân, Luật Công chứng năm 2024 có những điểm mới về tổ chức và hoạt động Văn phòng công chứng như sau:

           Thứ nhất là quy định mới về loại hình hoạt động. Luật Công chứng 2014 quy định Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Thực tiễn thời gian qua cho thấy việc áp dụng quy định này có một số bất cập như: việc hợp danh của các công chứng viên còn mang tính hình thức, tình trạng xin rút tư cách thành viên hợp danh ở Văn phòng công chứng này để hợp danh vào Văn phòng công chứng khác thường hay xảy ra; ở một số địa bàn không có nhiều giao dịch thì việc duy trì mô hình hợp danh có thể gây khó khăn cho việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng. Khắc phục các hạn chế này, Luật Công chứng 2024 đã mở rộng sự lựa chọn cho công chứng viên khi thành lập Văn phòng công chứng, theo đó, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh; tại các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ sẽ quy định danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Thứ hai là quy định mới về tên gọi của Văn phòng công chứng. Theo quy định của Luật Công chứng 2014, tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác. Thời gian qua trên địa bàn cả nước, cùng với tình trạng hợp danh hình thức như đã nêu ở trên, một số Văn phòng công chứng phải thay đổi tên nhiều lần trong quá trình hoạt động, ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu mà Văn phòng công chứng đó đã tạo dựng được. Đồng thời, việc thay đổi tên Văn phòng kéo theo việc phải cấp lại Giấy đăng ký hoạt động, Thẻ công chứng viên, thay đổi con dấu, biển hiệu, thông báo với các cơ quan, tổ chức có liên quan… gây khó khăn, phức tạp cho Văn phòng công chứng và cơ quan quản lý nhà nước. Khắc phục bất cập này, Luật Công chứng 2024 quy định tên của Văn phòng công chứng do các thành viên hợp danh thỏa thuận hoặc Trưởng Văn phòng công chứng quyết định.

Thứ ba là bổ sung điều kiện nhận chuyển nhượng Văn phòng công chứng. So với Luật Công chứng 2014, Luật Công chứng 2024 bổ sung điều kiện đối với công chứng viên nhận chuyển nhượng Văn phòng công chứng: Trường hợp đã là công chứng viên hợp danh hoặc Trưởng Văn phòng công chứng của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì đã hết thời hạn 02 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh hoặc kể từ ngày không còn là Trưởng Văn phòng công chứng của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng liên tục đầu tư thành lập mới và chuyển nhượng Văn phòng công chứng để thu lời như trong thời gian qua.

Thứ tư là giới hạn phạm vi thay đổi địa chỉ trụ sở Văn phòng công chứng. Khoản 1 Điều 26 Luật Công chứng 2024 quy định Văn phòng công chứng chỉ được thay đổi địa chỉ trụ sở trong phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đặt trụ sở theo quyết định cho phép thành lập của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng Văn phòng công chứng thành lập tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn để được ưu đãi xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập, sau đó lại chuyển về địa bàn trung tâm, làm ảnh hưởng đến đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương cũng như tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng.

Thứ năm là siết chặt quy định về thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng. Công chứng được xác định là một trong những dịch vụ công cơ bản, về nguyên tắc công chứng viên phải hành nghề thường xuyên, liên tục để bảo đảm tổ chức hành nghề công chứng cung cấp dịch vụ công chứng kịp thời, đáp ứng nhu cầu chứng nhận giao dịch diễn ra hằng ngày trong đời sống xã hội và nền kinh tế. Do vậy, để đảm bảo nội dung này, Luật Công chứng 2024 siết chặt hơn quy định về thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng. Theo đó, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh chỉ còn 01 thành viên hợp danh (trừ trường hợp Văn phòng công chứng chỉ còn 01 thành viên hợp danh do thành viên hợp danh còn lại chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, bị khai trừ khỏi Văn phòng công chứng hoặc bị miễn nhiệm công chứng viên hoặc bị Tòa án cấm hành nghề công chứng) thì sẽ bị thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng (thay vì cho phép bổ sung thành viên hợp danh mới trong thời hạn 06 tháng như Luật Công chứng 2014).

Thứ sáu là quy định mới về chuyển giao thẩm quyền chứng thực sang công chứng. Khoản 3 Điều 19 Luật Công chứng 2024 quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch từ Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng tại những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức theo quy định của Chính phủ. Quy định này không chỉ góp phần phát triển hoạt động công chứng theo yêu cầu của Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, bảo đảm mức độ an toàn cao hơn cho người dân đối với giao dịch được công chứng mà còn giúp giảm tải đáng kể công việc chứng thực cho UBND cấp huyện, cấp xã, tạo điều kiện tập trung nguồn lực để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ quản lý nhà nước./.

Hạnh Ngân

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN