Ngành Tư pháp Hà Tĩnh thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Đ/c Lê Viết Hồng - Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát huy sức mạnh đoàn kết, sáng tạo của công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành, những tháng đầu năm 2023, ngành Tư pháp Hà Tĩnh đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ Bộ, tỉnh giao, góp phần quan trọng vào kết quả chung của ngành Tư pháp cả nước và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

          Năm 2023 là năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các nghị quyết, chính sách giai đoạn 2021 - 2025, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Theo đó, ngay từ những ngày cuối năm 2022, ngành Tư pháp đã chủ động triển khai kịp thời nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Ngành; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tập trung cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; tham gia tích cực trong xử lý các vụ việc tồn đọng của tỉnh; chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công chức, viên chức, người lao động;…. Vì thế, trong 6 tháng đầu năm 2023, các lĩnh vực công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt, chất lượng các lĩnh vực công tác được nâng lên rõ rệt.

Cải cách thể chế - một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành được quan tâm đẩy mạnh thực hiện, song song cùng với việc chú trọng tham mưu UBND cùng cấp triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó chú trọng việc tham gia hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách của tỉnh phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nghiên cứu, xây dựng các giải pháp để tạo bước đột phá chiến lược về cải cách thể chế, xây dựng hệ thống văn bản QPPL của tỉnh đồng bộ, thống nhất, giải quyết những vấn đề phát sinh đang đặt ra trong thực tiễn. Chất lượng thẩm định, góp ý văn bản QPPL được nâng cao và đảm bảo về thời gian. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Tư pháp đã thẩm định 36 dự thảo văn bản QPPL, góp ý 78 dự thảo văn bản QPPL của Trung ương và của tỉnh; tự kiểm tra 26 văn bản QPPL của UBND tỉnh. Sở đã khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL giai đoạn 2019 - 2023. Đáng chú ý, đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về đảm bảo kinh phí cho công tác xây dựng hệ thống văn bản QPPL và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên quan tâm hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, pháp chế trên địa bàn, đặc biệt vừa qua Sở đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại điểm cầu tỉnh và kết nối trực tuyến tới 13 điểm cầu cấp huyện với 736 người tham dự.     

 Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được xác định là khâu đầu tiên của quá trình thực thi pháp luật, góp phần xây dựng và hình thành nên văn hóa pháp lý của công dân, do đó trong thời gian qua, ngành Tư pháp đã thực hiện tốt chức năng làm “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đưa pháp luật đi sâu vào thực tiễn đời sống xã hội bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nội dung PBGDPL tập trung quán triệt các văn bản QPPL mới, chính sách mới và những vấn đề thời sự, được dư luận xã hội quan tâm, như: Thuế, phí, lệ phí; đất đai, môi trường; đầu tư, xây dựng; xây dựng nông thôn mới; lao động việc làm; an toàn giao thông; xử lý vi phạm hành chính; các vấn đề về an sinh xã hội;… Những đóng góp của ngành Tư pháp trong công tác PBGDPL đã góp phần định hướng dư luận, ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

  Nhận thức hoạt động xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng để tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước tại cơ sở và nâng cao năng lực phục vụ Nhân dân, hỗ trợ Nhân dân thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật, trong những tháng đầu năm 2023, Sở Tư pháp tiếp tục tập trung vào việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong hai lĩnh vực công tác này và triển khai các quy định mới về xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động phối hợp tổ chức 08 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên, tuyên truyền viên cơ sở; tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, Kế hoạch tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Hiện nay, Sở và các huyện, thành phố, thị xã đang gấp rút chuẩn bị các nội dung, điều kiện đảm bảo tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi.

          Trước yêu cầu ngày càng cao về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, Sở Tư pháp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác hộ tịch, nuôi con nuôi, chứng thực, lý lịch tư pháp,... Sở đã thường xuyên theo dõi, bám sát việc thực hiện pháp luật hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi ở địa phương, tập trung giải đáp, hướng dẫn những vấn đề cơ sở thường xảy ra sai sót. Bên cạnh đó, ngành Tư pháp toàn tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; rà soát, đối chiếu dữ liệu hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Sổ hộ tịch; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tổ chức, cá nhân và mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt đã khẩn trương triển khai nhiệm vụ liên quan đến thực hiện trực tuyến 02 nhóm TTHC liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử. Đến thời điểm này, Sở đã tạo lập 636 tài khoản cho Lãnh đạo và văn thư UBND cấp xã trên Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch để thực hiện việc ký số và ban hành bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử phục vụ liên thông TTHC; tổ chức 04 Hội nghị tập huấn nội dung này cho 100% công chức Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 14/7/2023 đến ngày 31/7/2023, các cơ quan đăng ký hộ tịch đã hỗ trợ, hướng dẫn người dân tạo tài khoản dịch vụ công quốc gia, nộp hồ sơ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử trên phần mềm dịch vụ công liên thông và tiếp nhận xử lý 304 hồ sơ, trong đó có 285 hồ sơ đăng ký khai sinh, 19 hồ sơ đăng ký khai tử. Tại Sở Tư pháp, bên cạnh việc đảm bảo về thời gian, chất lượng giải quyết TTHC, Sở còn đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, Sở đã tiếp nhận 22.445 hồ sơ TTHC (tăng 1,1 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 2.928 hồ sơ trực tuyến (tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022), 100% hồ sơ đều được trả đúng thời hạn.

  Bổ trợ tư pháp là lĩnh vực có vị trí quan trọng, góp phần vào việc bảo đảm công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Nhận thức được vấn đề đó, trong thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp tiếp tục được tăng cường. Trong đó, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư, công chứng, Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh; tổng kết thi hành Luật Luật sư; sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 của Bộ Tư pháp hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan, tổ chức có liên quan về tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản.

Công tác trợ giúp pháp lý được Sở Tư pháp chú trọng thực hiện, ngày càng chuyên nghiệp và đi vào chiều sâu, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người yếu thế trong xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, hạn chế khiếu kiện vượt cấp, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện tư vấn, hướng dẫn gần 500 vụ việc, thực hiện 191 vụ việc tố tụng. Công tác truyền thông và trợ giúp pháp lý ở cơ sở tiếp tục được quan tâm thực hiện và phát huy hiệu quả. Đã xây dựng Chương trình phát thanh “Trợ giúp pháp lý với người dân” để phát đến các thôn, xóm; thực hiện 32 cuộc truyền thông và trợ giúp pháp lý; In ấn hơn 70.000 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu pháp luật cấp phát cho người dân và đặt trong hộp tin tại các cơ quan tố tụng. Thông qua các cuộc truyền thông, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã tổ chức trình chiếu các phóng sự của Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện dựa trên các vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện như: “Mở ra con đường sáng”, “Sau giông bão cuộc đời”, “Cái giá phải trả cho phút nóng giận”, “Cán cân công lý”,…

Hiệu quả trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật ngày càng được khẳng định. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm, đã cho ý kiến đối với 12 vụ việc có liên quan đến xử lý vi phạm hành chính theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đề nghị của các Sở, ngành. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, pháp chế, bồi thường nhà nước, xây dựng ngành,… tiếp tục được quan tâm triển khai và đạt được những kết quả khả quan, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, ngành Tư pháp tiếp tục tham gia sâu rộng vào các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lãnh đạo Sở và Lãnh đạo các Phòng chuyên môn thường xuyên được UBND tỉnh giao hoặc các ngành mời tham gia họp, nghiên cứu, cho ý kiến pháp lý đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, tồn đọng, kéo dài, dư luận chú ý, quan tâm; những vấn đề chưa được pháp luật quy định cụ thể, có nhiều ý kiến trái chiều hoặc những vấn đề quan trọng mà UBND tỉnh thấy cần có ý kiến pháp lý của Sở Tư pháp. Trong 6 tháng, Sở Tư pháp đã tham gia nghiên cứu, cho ý kiến pháp lý 35 vụ việc phát sinh trên địa bàn tỉnh trong các lĩnh vực: đất đai, đầu tư, tài nguyên, khoáng sản, xử lý vi phạm hành chính… Ý kiến của Sở Tư pháp được UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị đánh giá cao, là căn cứ quan trọng để xác định hướng giải quyết các vụ việc. Ngoài ra, trong nhiều vụ việc Sở Tư pháp được mời tham gia ngay từ đầu nên đã hạn chế tối đa các tranh chấp phát sinh có thể xảy ra, giúp UBND các cấp giải quyết kịp thời, triệt để các vướng mắc pháp lý, góp phần ổn định tình hình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ thế, vai trò, vị thế của ngành vì thế được khẳng định và nâng lên rõ rệt.

Thời gian tới, tỉnh ta có nhiều nhiệm vụ quan trọng phải triển khai thực hiện, cần tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo ra các động lực tăng trưởng mới, nhiệm vụ giao cho ngành Tư pháp chắc chắn sẽ nhiều hơn và cũng khó khăn hơn. Song tin tưởng rằng, phát huy phẩm chất con người Hà Tĩnh, bề dày truyền thống của ngành Tư pháp, toàn ngành Tư pháp Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đoàn kết, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của ngành đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới./.

          Lê Viết Hồng - Giám đốc Sở Tư pháp

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), chiều ngày 20/6/2024, đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp đến tặng hoa và chúc mừng Báo Hà Tĩnh và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.
Chiều 6/6, Quốc hội thống nhất phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm ông Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
Gần 500 đại biểu là chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn Hà Tĩnh đã được phổ biến các kiến thức pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Thực hiện nhiệm vụ định kỳ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020 và các Nghị định quy định chi tiết, ngày 15/5/2024 tại thành phố Hà Nội, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) kỳ 2019-2023. Hội thảo do đồng chí Hồ Quang Huy - Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL và đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL chủ trì.
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (Viện KAS), ngày 17/5/2024 tại thành phố Hà Nội, Bộ Tư pháp và Viện KAS tổ chức Hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2025 - 2030”. Chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính (QLXLVPHC) và theo dõi THPL Nguyễn Quốc Hoàn và ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam.
Chiều ngày 17/5/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị do đồng chí Đinh Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở chủ trì, với sự tham gia của các đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, lãnh đạo các Phòng, Trung tâm thuộc Sở Tư pháp và lãnh đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã.