Nguyên tắc và nội dung xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên

Ngày 26/10/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 18/2023/TT-BGDĐT về hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

Thông tư này được áp dụng đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, bao gồm: trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; trường chuyên, trường năng khiếu, trường dành cho người khuyết tật; trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (sau đây gọi chung là nhà trường) và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, thông tư quy định nguyên tắc và nội dung xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên như sau:

1. Nguyên tắc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích

- Là công việc trọng tâm, thường xuyên của mỗi nhà trường, được ưu tiên triển khai phù hợp với nhu cầu phát triển giáo dục và điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường.

- Có sự tham gia của chính quyền địa phương và cộng đồng; phát huy sự tham gia tích cực và hiệu quả của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh.

- Công tác kiểm tra, đánh giá phải bảo đảm thường xuyên, khách quan, trung thực, kịp thời, công khai, minh bạch.

2. Nội dung xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích

- Bảo đảm an toàn về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện, tài liệu, học liệu dạy học phục vụ hoạt động giáo dục của nhà trường.

- Bảo đảm an ninh, trật tự trường học; phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội; hướng dẫn người học tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh, đúng quy định của pháp luật.

-  Giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy; ứng phó với thảm họa, thiên tai; phòng, chống ngã, va đập, điện giật và một số loại hình tai nạn thương tích thường gặp khác.

- Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người học: phòng, chống dịch, bệnh học đường; bảo đảm an toàn thực phẩm; phòng, chống tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới, rượu, bia và các chất gây nghiện khác.

- Thực hiện quy tắc ứng xử, quy chế dân chủ trong nhà trường; giáo dục sức khỏe tâm thần; thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho người học và công tác xã hội trong nhà trường.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2023.

Thu Uyên

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 03/7/2024, Hội đồng PHPBGDPL tỉnh (sau đây viết tắt là Hội đồng) ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến pháp luật quý III năm 2024. Để triển khai kịp thời, có hiệu quả cao công tác này, Hội đồng đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh đã tập trung chỉ đạo và thực hiện rà soát, đối chiếu các dữ liệu hộ tịch đã số hóa theo hướng dẫn của Sở Tư pháp tại Văn bản số 575/STP-HC&BTTP ngày 03/4/2024 về rà soát, đối chiếu dữ liệu hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Sổ hộ tịch, trên cơ sở đó đã đề nghị hủy/phê duyệt cho phép chỉnh sửa đối với các dữ liệu hộ tịch có sai sót. Tính đến ngày 20/6/2024, có 04 đơn vị đã thực hiện xong việc rà soát, đối chiếu, còn 02 đơn vị chưa hoàn thành là phường Đậu Liêu và xã Thuận Lộc. Để hoàn thành kịp tiến độ đề ra tại Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 16/5/2023 của UBND tỉnh (thời hạn hoàn thành việc rà soát, đối chiếu dữ liệu hộ tịch là đến hết tháng 7/2024), UBND thị xã yêu cầu UBND các phường, xã tập trung cao cho công tác rà soát, đối chiếu, báo cáo kết quả về UBND thị xã chậm nhất trước ngày 20/7/2024. Đồng thời đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ xã Thuận Lộc rà soát, đối chiếu dữ liệu hộ tịch.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2024/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử. Theo đó, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc phương tiện xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử, được dùng để truy cập, sử dụng các tính năng, tiện ích, ứng dụng của hệ thống định danh và xác thực điện tử và hệ thống thông tin đã được kết nối, chia sẻ theo quy định của pháp luật.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2024/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử. Trong đó, Nghị định quy định rõ trình tự, thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử đối với người nước ngoài như sau:
Ngày 28/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 43/2024/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngày 21/6/2024, Bộ chính trị ban hành Kết luận số 83-KL/TW về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.