Thực tiễn triển khai công tác Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính là một trong những chính sách đó. Được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, Lãnh đạo Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Trung tâm) đã chủ động, kịp thời triển khai các hoạt động TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Truyền thông về trợ giúp pháp lý và hưởng ứng ngày khuyết tật Việt Nam (18/4)

 

Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm đã thụ lý, thực hiện 820 vụ việc, trong đó 39 vụ việc cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính (chiếm 4,8% tổng số vụ việc). Cụ thể: Tham gia tố tụng 28 vụ việc (lĩnh vực hình sự: 23 vụ việc, lĩnh vực dân sự: 05 vụ việc); tư vấn, hướng dẫn 11 vụ việc (lĩnh vực dân sự: 04 vụ việc, lĩnh vực hành chính: 01 vụ việc, lĩnh vực khác: 06 vụ việc). Phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ bảo trợ trẻ em, tư vấn, giáo dục nghề nghiệp, phục hồi chức năng cho người khuyết tật tỉnh Hà Tĩnh UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức 265 cuộc truyền thông về TGPL, đặc biệt là vào Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12) để giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, người thực hiện TGPLgiới thiệu các nội dung pháp luật cơ bản, thiết yếu như: pháp luật về người khuyết tật; pháp luật về Dân sự; pháp luật về Hình sự; pháp luật về Đất đai; pháp luật về Hôn nhân và gia đình; pháp luật về các Chế độ chính sách, Bảo trợ xã hội…. Đồng thời, đã biên tập, in ấn và cấp phát miễn phí hơn 70.000 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu pháp luật liên quan đến các lĩnh vực pháp luật thiết yếu, trong đó có nội dung dành riêng giới thiệu về TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Xây dựng chuyên mục phát thanh “TGPL với người dân” để giới thiệu các chính sách pháp luật mới của Đảng, Nhà nước và giới thiệu những câu chuyện pháp luật liên quan đến người khuyết tật có khó khăn về tài chính mà Trung tâm đã thực hiện. Đồng thời, duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về yêu cầu TGPL của người dân nói chung và người khuyết tật có khó khăn về tài chính nói riêng. Trung tâm đã rà soát, cập nhật danh sách người thực hiện TGPL niêm yết tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn, Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ bảo trợ trẻ em, tư vấn, giáo dục nghề nghiệp, phục hồi chức năng cho người khuyết tật tỉnh Hà Tĩnh . Lắp đặt Bảng thông tin, hộp tin về TGPL tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam công an tỉnh nhằm giúp cho người được TGPL trong đó có người khuyết tật có khó khăn về tài chính đang bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo dễ dàng tiếp cận được dịch vụ TGPL miễn phí.

Có thể thấy, công tác TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, số lượng, chất lượng vụ việc TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính ngày càng tăng, 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được TGPL khi có yêu cầu. Thông qua những vụ việc cụ thể đã giúp cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, giảm bớt thủ tục khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, giảm bớt chi phí, thời gian của người khuyết tật có khó khăn về tài chính, góp phần hạn chế những phát sinh mâu thuẫn, giúp người dân nâng cao ý thức và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, hỗ trợ chính quyền cơ sở trong việc ổn định trật tự xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự Lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, các ý kiến tranh tụng cũng như đề xuất của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng tham gia thực hiện TGPL đã được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận, đánh giá cao như: Vụ việc Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng bào chữa cho ông N.V.L là người khuyết tật nặng đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra Quyết định đình chỉ vụ án; vụ việc Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh P. T. V là bị hại trong vụ án Hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã chấp nhận đề xuất của Trợ giúp viên pháp lý, buộc bị cáo bồi thường cho anh P. T. V 70.000.000 đồng…

Quá trình thực hiện TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, Trung tâm còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau: do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn đã ảnh hưởng đến hoạt động TGPL nói chung và TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính nói riêng; đời sống của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với các thông tin, chính sách pháp luật của Nhà nước, nên nhiều người khuyết tật có khó khăn về tài chính chưa tiếp cận được với chính sách TGPL; người khuyết tật có khó khăn về tài chính là người bị khiếm khuyết về thể chất và trí tuệ nên nhiều trường hợp không thể tự mình thực hiện các thủ tục pháp lý và trình bày các vướng mắc để yêu cầu giúp đỡ. Do đó, người thực hiện TGPL gặp khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin, nghiên cứu hồ sơ....

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn như cấp phát tờ rơi, tờ gấp, tài liệu pháp luật, cấp phát đĩa Chương trình phát thanh “TGPL với người dân”, để nâng cao nhận thức pháp luật cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính biết và tìm đến Trung tâm khi có vướng mắc pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền thông để tăng cường khả năng tiếp cận TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

Thứ hai, tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức, địa phương có nhiều người khuyết tật có khó khăn về tài chính, các Hội người khuyết tật, các cơ sở Bảo trợ xã hội, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật. Thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, để từ đó phát hiện, thông tin được kịp thời về nhu cầu TGPL của người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

Thứ ba, người thực hiện TGPL khi tham gia TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính không chỉ tập trung nghiên cứu hồ sơ vụ án mà phải tùy từng người khuyết tật để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của mỗi người, tạo sự tin cậy để người khuyết tật có khó khăn về tài chính hoặc người thân của họ trình bày nội dung sự việc, giúp người thực hiện TGPL có thể thu thập, bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ, từ đó để nâng cao chất lượng vụ việc TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

Thứ tư, chú trọng nâng cao năng lực cho người thực hiện TGPL bằng việc xây dựng các chương trình, tài liệu và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ người thực hiện TGPL về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, đặc biệt là kỹ năng tranh tụng và tiếp xúc với người khuyết tật có khó khăn về tài chính./.

 Lê Quế

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN