Tước quyền sử dụng giấy phép trong xử phạt vi phạm hành chính
Xử phạt vi phạm hành chính là một trong những chế tài xử lý nhằm răn đe đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính. Theo đó, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm hành chính mà Chính phủ sẽ có hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp. Tại Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định “Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;”. Vì vậy, quá trình ban hành các chế tài để áp dụng xử phạt tương ứng với mỗi hành vi vi phạm hành chính phải được thống nhất, đảm bảo nguyên tắc mọi đối tượng vi phạm đều bị xử lý công bằng trước pháp luật. Tuy nhiên, quá trình áp dụng pháp luật đã xảy ra vướng mắc do các quy định tại các văn bản pháp luật khác nhau dẫn đến việc áp dụng không được thống nhất.
Tại điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “c) Trường hợp thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề ngắn hơn thời hạn tước quyền sử dụng của giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì áp dụng thời hạn tước là thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó.” Như vậy, với quy định này, có thể chế tài áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính là tước quyền sử dụng giấy phép 24 tháng nhưng thời hạn sử dụng còn lại của giấy phép là 10 tháng thì sẽ thực hiện tước theo thời hạn còn lại là 10 tháng. Quy định này xây dựng trên nguyên tắc việc Nhà nước áp dụng tước quyền sử dụng giấy phép khi người vi phạm còn quyền sử dụng đối với giấy phép đó, khi không còn quyền sử dụng thì sẽ không thực hiện tước.
Tuy nhiên tại khoản 5 Điều 81 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định “5. Trường hợp người có hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhưng thời hạn sử dụng còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó ít hơn thời hạn bị tước thì người có thẩm quyền vẫn ra quyết định xử phạt có áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định đối với hành vi vi phạm. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề” Như vậy, với quy định này thì mặc dù thời hạn của giấy phép còn lại ít hơn thời hạn tước quyền sử dụng được quy định đối với hành vi này nhưng vẫn thực hiện việc tước theo quy định.
Với những quy định như trên thì hiện nay có hai quan điểm áp dụng pháp luật khác nhau:
Quan điểm thứ nhất theo nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại khoản 3 Điều 156 thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau. Do Nghị định số 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được ban hành sau Nghị định số 118/2021/NĐ-CP do đó thực hiện quy định của Nghị định số 123/2021/NĐ-CP (bao gồm cả những quy định Nghị định số 123/2021/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung hoặc giữ nguyên của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP)
Quan điểm thứ 2 cho rằng cũng áp dụng nguyên tắc trên nhưng do Nghị định số 123/2021/NĐ-CP chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP nên chỉ những điều được sửa đổi bổ sung mới có hiệu lực cùng với Nghị định 123/2021/NĐ-CP, còn những điều không được sửa đổi vẫn áp dụng theo hiệu lực của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Do đó Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ban hành sau Nghị định số 100/2019/NĐ-CP nên trong trường hợp này vẫn thực hiện tước giấy phép lái xe theo thời hạn còn lại của giấy phép theo quy định tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
Để lựa chọn áp dụng theo nguyên tắc nào cần làm rõ bản chất của việc áp dụng chế tài này trong xử phạt vi phạm hành chính. Việc “tước” được quy định tại các nghị định về bản chất là người được cấp giấy phép đó không được phép sử dụng giấy phép trong một thời hạn nhất định do đã có hành vi vi phạm hành chính, nội dung tước đó là quyền sử dụng đối với giấy phép chứ không phải là giấy phép, do đó khi giấy phép đã hết hạn sử dụng đồng nghĩa với người có giấy phép không còn quyền sử dụng nhưng cơ quan nhà nước vẫn thực hiện tước thì không hợp lý.
Mặt khác, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP là nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, do đó nếu các nghị định quy định xử phạt ở từng lĩnh vực, quy định khác nhau về thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép khác nhau thì sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng được quy định tại Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 cũng như tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Từ những phân tích về sự hợp lý, nhằm đảm bảo nguyên tắc công bằng trong xử phạt vi phạm hành chính và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, cần thống nhất việc áp hình thức tước quyền sử dụng giấy phép ở tất cả các lĩnh vực theo hướng thời hạn còn lại của giấy phép ngắn hơn thời hạn tước quyền sử dụng của giấy phép thì áp dụng thời hạn tước là thời hạn còn lại của giấy phép đó.
Cẩm Thạch