Vụ việc điển hình - “Giọt nước mắt muộn màng”

Sinh năm 2001, tại một vùng quê nghèo của xã M, huyện H, từ nhỏ Nguyễn Văn Quỳnh không được bố thừa nhận, mẹ ốm đau bệnh tật thường xuyên, không đủ khả năng nuôi dưỡng, nên Quỳnh được ông bà ngoại cưu mang, ông bà Quỳnh quanh năm suốt tháng vất vả, lam lũ với đồng ruộng nhưng vẫn không đủ để lo cho Quỳnh ăn học, năm 12 tuổi Quỳnh nghỉ học. Những tưởng với hoàn cảnh khó khăn, Quỳnh sẽ chăm chỉ làm việc, phụ giúp ông bà, chăm sóc mẹ bị bệnh nhưng bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo, Quỳnh thường tụ tập bạn bè uống rượu, chơi điện tử.

Ngày 28/8/2018, không còn tiền để tiêu xài, chơi điện tử Quỳnh rủ Quân, Hùng, Nhân đi cướp tài sản, khi phát hiện anh Nam (công tác tại huyện H) đang điều khiển xe mô tô đi trên tuyến đường liên thôn huyện, Quỳnh và đồng bọn nhanh chóng điều khiển xe áp sát xe mô tô và cướp của anh Nam 185.000 nghìn đồng. Lúc này, tổ công tác của Công an huyện H tiến đến phát hiện và bắt giữ, đưa đối tượng về trụ sở Công an để làm việc. Qua quá trình làm việc nhóm Quỳnh khai nhận trong tháng 8/2018 đã 10 lần thực hiện hành vi phạm tội trong đó 3 lần không chiếm đoạt tài sản vì thấy bị hại hoàn cảnh quá khó khăn, 7 lần chiếm đoạt được 3.800.000 ngàn đồng. Căn cứ lời khai nhận của Quỳnh, Hùng, Quân, Nhân và các tài liệu thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện H Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Biết Quỳnh thuộc diện người được trợ giúp pháp lý, nên cơ quan điều tra đã giải thích, hướng dẫn Quỳnh làm đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Sau khi tiếp nhận Hồ sơ, Giám đốc Trung tâm TGPL đã ban hành quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia từ giai đoạn điều tra để bào chữa cho Quỳnh. Quá trình tham gia vụ án, Trợ giúp viên pháp lý giải thích pháp luật, nghiên cứu hồ sơ, đánh giá tài liệu, chứng cứ có lợi cho Quỳnh, đồng thời làm việc với Điều tra viên, Kiểm sát viên đề xuất thực hiện đúng pháp luật về tố tụng, pháp luật về nội dung tránh việc Quỳnh bị bức cung, nhục hình, mớm cung, dụ cung...

Tại phiên tòa sơ thẩm, Trợ giúp viên pháp lý đã phân tích nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh, động cơ phạm tội của Quỳnh, đi sâu phân tích các quy định của pháp luật, mặc dù có hành vi phạm tội nhưng trong con người của bị cáo Quỳnh vẫn còn tính nhân văn, tình người khi 3 lần dừng xe của bị hại để chiếm đoạt tài sản nhưng thấy họ nghèo khó, không có tiền, xăng hết Quỳnh còn cho họ tiền đổ xăng. Quỳnh cũng đã nhận thức được hành vi của mình là sai trái nên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử Quỳnh đã tự nguyện khắc phục bồi thường thiệt hại, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Trợ giúp viên pháp lý đã đề nghị HĐXX áp dụng điểm d khoản 1 Điều 3, điểm b, s khoản 1, khoản 2 điều 51, Điều 54, Điều 58, Điều 90, Điều 91, Điểu 68 BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2017 cho Quỳnh hưởng mức án thấp nhất có thể để Quỳnh sớm có cơ hội làm lại cuộc đời. Trên cơ sở đề xuất của Trợ giúp viên pháp lý, sau khi làm rõ hành vi phạm tội của Quỳnh, xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Quỳnh mức án nhẹ hơn nhiều so với đề nghị của Viện kiểm sát.

Cuối phiên tòa kìm nén giọt nước mắt, nghẹn ngào Quỳnh nắm tay Trợ giúp viên pháp lý nói lời cảm ơn và hứa rằng cố cải tạo tốt để sớm trở về làm trọn trọng trách của người con, người cháu trong gia đình. Hi vọng rằng sau khi chấp hành án phạt tù Quỳnh sẽ vượt qua được mặc cảm, hướng thiện và xây dựng lại cuộc sống với những điều tốt đẹp hơn.

Đinh Hiền

 TIN TỨC LIÊN QUAN