Bước chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật HĐND, UBND tỉnh

Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luât của HĐND và UBND cấp tỉnh đã được quy định rất cụ thể trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004 (văn bản này đã hết hiệu lực và  hiện nay được thay thế bằng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015). Tuy nhiên, do nhận thức về vai trò quan trọng của công tác này của các cấp ủy đảng, chính quyền còn hạn chế, nhiều cơ quan khi tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho HĐND, UBND tỉnh đã không tuân thủ đúng quy trình  thực hiện theo quy định nên dẫn đến các văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành đã không đảm bảo đúng thẩm quyền, sai về nội dung cũng như thể thức và kỹ thuật trình bày. Trong 05  năm trở lại nay, được sự quan tâm của Bộ Tư pháp, sự tập trung chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, việc tuânthủ quy trình xây dựngvăn bản quy phạm pháp luật HĐND, UBND tỉnh đã được các cơ quan tham mưu thực hiện tốt và có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể:

Về công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật

Cơ quan được giao chủ trì xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh đã căn cứ vào văn bản QPPL của các cơ quan trung ương, ý kiến chỉ đạo Tỉnh ủy, của HĐND, UBND để tổ chức soạn thảo Nghị quyết, Quyết định. Nội dung của các văn bản được soạn thảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng; đúng thẩm quyền, nội dung, thể thức và kỷ thuật trình bày văn bản; đảm bảo tính khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Những năm trước, nhiều cơ quan soạn thảo được giao chủ trì chưa định hình được việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mà chủ yếu là theo cảm tính, lặp lại, sao chép văn bản của trung ương để đưa vào trong văn bản của tỉnh. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhận thức về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan được giao soạn thảo văn bản đã được nâng lên rõ rệt. Hầu hết các văn bản của HĐND, UBND tỉnh đều dựa trên nội dung được giao quy định chi tiết tại Luật, Nghị định, Thông tư. Theo đó, chỉ soạn thảo những nội dung thuộc thẩm quyền quy định của HĐND, UBND. Ví dụ, trong năm 2016 Thông tư của Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí được ban hành mới để phù hợp với Luật Phí, lệ phí năm 2015, cơ quan soạn thảo đã căn cứ để tham mưu HĐND tỉnh soạn thảo Nghị quyết 26/2016/NQ-HĐND quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh trên địa bàn tỉnh đúng theo điều khoản giao HĐND tỉnh quy định nội dung chi tiết tại Thông tư 250/2016/TT-BTC. Hoặc cũng có những văn bản căn cứ vào tình hình thực tiễn để xây dựng nhằm điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trên địa bàn như Quyết định số 27/2017/QĐ-UBNDngày 26/5/2017của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết kinh doanh cát sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Về công tác tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản

          Để đảm bảo tính khả thi của văn bản trong thực tiễn thi hành, bảo đảm pháp luật sát dân, gần dân, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, công tác lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản của HĐND, UBND tỉnh cũng đã được chú trọng vàthực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi dự thảo Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND được xây dựng, các cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và các cơ quan, tổ chức có liên quan thông qua nhiều hình thức thiết thực, có hiệu quả như:  Đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của UBND tỉnh và Trang thông tin điện tử của đơn vị soạn thảo hoặc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến. Cơ bản dự thảo khi chuyển đến Sở Tư pháp để thẩm định đã được tổ chức lấy ý kiến. Một số dự thảo còn được tổ chức lấy ý kiến nhiều lần, đảm bảo cho các văn bản sau khi được ban hành sẽ phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.

       Về công tác thẩm định dự thảo văn bản

Đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chú trọng, các văn bản quy phạm pháp luật đều phải được thẩm định trước khi trình HĐND tỉnh thông qua hoặc UBND tỉnh ký ban hành. Trong giai đoạn 2014-2017 đã có 436 văn bản quy phạm pháp luật được chuyển đến Sở Tư pháp thẩm định. Với đầu mối là cơ quan kiểm soát về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp đã có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thẩm định dự thảo, không ngừng nâng cao về chất lượng, đảm bảo về thời gian, tiến độ thực hiện. Đối với nhiều dự thảo có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung phức tạp hoặc phát hiện có nhiều nội dung không phù hợp, Sở Tư pháp tổ chức họp các đơn vị liên quan để trao đổi và thống nhất với cơ quan soạn thảo. Vì vậy, các ý kiến thẩm định của Sở Tư phápđược các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, góp phần nâng cao chất lượng văn bản QPPL, hạn chế các sai sót về thẩm quyền, nội dung, thể thức kỷ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật.

          Trong thời gian tới, các cơ quan tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần tiếp tục tuân thủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định, đảm bảo chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trên địa bàn tỉnh./.

Hải Giang

 TIN TỨC LIÊN QUAN