Quy định pháp luật về xử lý hành vi trộm cắp tài sản

        Thời gian gần đây hoạt động tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt nổi lên là tội phạm trộm cắp xe máy và đột nhập nhà dân, doanh nghiệp, công trình xây dựng trộm cắp tài sản. Trước tình hình đó, lực lượng Công an đã chủ động triển khai nhiều phương án, kế hoạch, tổ chức đấu tranh, phòng ngừa, tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân nhằm kiềm chế sự gia tăng của loại tội phạm này, góp phần đảm bảo ANTT, mang lại bình yên hạnh phúc cho nhân dân.

        Tính từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng Công an đã điều tra làm rõ 130 vụ, bắt 171 đối tượng trộm cắp tài sản, gây thiệt hại về tài sản trị giá 4.6 tỷ đồng. Chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm hình sự (38,1%), trong đó chủ yếu là trộm đột nhập nhà dân, trộm cắp xe máy, trộm cắp tại các doanh nghiêp, công trình xây dựng. Lọai tội phạm này có xu hướng tăng nhiều một phần là do tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài dẫn nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, nhiều người bị mất việc làm. Việc di chuyển giữa các địa phương gặp nhiều khó khăn, từ đó việc chủ động tìm kiếm việc làm tại nhiều địa phương khác nhau của nhiều người có nhu cầu tìm việc làm cũng bị hạn chế. Mặt khác, nhiều đối tượng do lười lao động, thích hưởng thụ trên thành quả lao động của người khác mà thực hiện hành vi lén lúc chiếm đoạt tài sản của người khác. Các đối tượng này chủ yếu là các đối tượng nghiện game, nghiện ma túy, bỏ học sớm, sống lang thang…thiếu hiểu biết các quy định pháp luật, thiếu sự quan tâm, chăm sóc giáo dục từ phía gia đình.

        Thủ đoạn của tội phạm trộm cắp tài sản không mới, nhưng có phần tình vi, manh động hơn, các đối tượng thường lợi dụng sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của người dân trong việc trông coi, bảo vệ tài sản, đặc biệt là ở những nơi gần đường giao thông, những nơi tổ chức tiệc, đình đám không có người trông coi xe máy, những hộ dân quản lý tài sản còn lỏng lẻo, những khu vực vắng người qua lại để trộm cắp tài sản.

Theo quy định của pháp luật, hành vi trộm cắp tài sản có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.  Đối với hành vi trộm cắp tài sản lần đầu, không gây hậu quả nghiêm trọng về giá trị tài sản thiệt hại (dưới 02 triệu), chưa bị kết án về 01 trong các tội về chiếm đoạt tài sản thì người thực hiện hành vi vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính. Tại Điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: Tội trộm cắp tài sản bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào thiệt hại về tài sản và mức độ nghiêm trọng gây ra, người có hành vi trộm cắp tài sản còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Cụ thể, tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

        “1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

        a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

        b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

        2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

        a) Có tổ chức;

        b) Có tính chất chuyên nghiệp;

        c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

        d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

        đ) Hành hung để tẩu thoát;

        e) Tài sản là bảo vật quốc gia;

        g) Tái phạm nguy hiểm.

        3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

        a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

        b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

        4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

        a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

         b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

        5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

        Việc xử lý nghiêm minh các hành vi trộm cắp tài sản sẽ góp phần răn đe,  hạn chế xảy ra các vụ vi phạm, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội./.

Kim Oanh

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN