Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật và giải pháp giảm chi phí tuân thủ pháp luật trên địa bàn Hà Tĩnh

Ngày 01/01/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; trong đó giao Bộ Tư pháp làm đầu mối theo dõi việc cải thiện chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (gọi tắt là chỉ số B1). Ngày 08/3/2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 554/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP và triển khai thực hiện trên toàn ngành, đơn vị, địa phương. Nhờ đó năm 2019, chỉ số B1của Việt Nam theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã được nâng cao về điểm số và thứ hạng, đạt 3.4/7 (tăng 0.3 điểm so với năm 2018), xếp thứ 79/141 nước (tăng 17 bậc so với năm 2018). Vậy, chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật là gì và mục đích, ý nghĩa của chỉ số này là như thế nào? Trong phạm vi bài viết xin nêu một số nội dung khái quát về chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật và kết quả thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong năm 2019.

Chi phí tuân thủ pháp luật được hiểu là các chi phí mà doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật, bao gồm: Chi phí hành chính; Chi phí đầu tư để tuân thủ quy định; Phí, lệ phí; Chi phí rủi ro pháp lý (nếu có) và Chi phí không chính thức (Các khoản trả thêm hoặc “lót tay” liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng dịch vụ công cộng (ví dụ: điện thoại, điện năng), trả thuế,…)

Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật là một trong những chỉ số nằm trong mục Quản trị theo đánh giá của WEF được thể hiện thông qua chỉ số: “Burden of government regulation”. Chỉ số B1 có thể được hiểu là chỉ số tổng hợp ý kiến cảm nhận (thông qua trả lời câu hỏi khảo sát) về mức độ tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tuân thủ những quy định của pháp luật (làm phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật), được xếp theo thang bậc đánh giá tính từ mức 01 (kém nhất) đến mức 07 (tốt nhất).

Thông qua việc cải thiện chỉ số B1, các cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ có điều kiện xem xét, đánh giá đúng thực trạng về các chi phí tuân thủ pháp luật hiện nay. Trên cơ sở đó sẽ tính toán được lợi ích mang lại của chỉ số B1 cho các doanh nghiệp (giảm thiểu được các chi phí), tạo thuận lợi và giảm gánh nặng của chi phí B1 đối với các doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề xuất được những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật hiện nay.

Trong năm 2019, thực hiện chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật, góp phần nâng xếp hạng chỉ số B1, kết quả như sau:

Thứ nhất, về xây dựng, hoàn thiện thể chế để giảm chi phí tuân thủ pháp luật

Tiếp tục thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật không rõ ràng, không khả thi, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc kiến nghị các Bộ, ngành bãi bỏ các quy định tạo ra chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường và chi phí tuân thủ pháp luật về xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.Trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản không có các quy định mới không cần thiết, bất hợp lý, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp trong các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.

Thứ hai, về tổ chức thi hành pháp luật

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp được chú trọng. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách về hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, các quy định về đất đai, thuế, đấu thầu,... cho cộng đồng doanh nghiệp. Nổi bật như: Sở Tư pháp tổ chức 03 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho cán bộ quản lý và đội ngũ tham mưu thực hiện công tác PBGDPL, pháp chế của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã về pháp luật phòng, chống tham nhũng, dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính, trung bình mỗi cuộc có gần 300 người tham gia; tổ chức 01 cuộc tuyên truyền, phổ biến hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (CPTTP) và 01 cuộc tọa đàm đối thoại chính sách mới của tỉnh cho các hiệp hội và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tổng cộng có gần 400 lượt người tham gia; Sở Công thương đã tổ chức 07 lớp tập huấn các quy định pháp luật mới trong lĩnh vực công thương, 06 cuộc tập huấn lĩnh vực công nghiệp, thương mại và 02 lớp tập huấn về kỹ năng xây dựng thương hiệu, thu hút hơn 500 doanh nghiệp tham gia. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã tổ chức 03 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật đầu tư của Việt Nam cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà thầu trong Khu kinh tế và Khu công nghiệp; các cơ quan Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã cùng phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn chính sách về BHXH, lao động, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động cho trên 800 doanh nghiệp, hợp tác xã; Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tỉnh tích cực tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp nhằm giúp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân sản xuất - kinh doanh. Tích cực, trách nhiệm trong việc đối thoại với doanh nghiệp, giải đáp kiến nghị, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề kinh tế…

Việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được tỉnh hết sức quan tâm, xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trong đó tập trung nêu cao hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay. Các cơ quan, đơn vị cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn do Bộ, ngành tổ chức và chủ trì tổ chức các cuộc liên quan đến ngành, lĩnh vực mà đơn vị mình quản lý. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc chuyên môn cũng như giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với Trung tâm Công báo - Tin học UBND tỉnh tiếp tục tổ chức tập huấn triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015, phần mềm quản lý hồ sơ công việc cho đội ngũ công chức các sở, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã…

Công tác hỗ trợ về tài chính  cũng như pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian qua được chỉ đạo triển khai thường xuyên thông qua nhiều hình thức, góp phần nâng cao hiểu biết, hạn chế rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình thành lập và phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện việc niêm yết đầy đủ địa chỉ tiếp nhận phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, hành vi hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cấp huyện và Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã, trên trang, cổng thông tin điện tử của các đơn vị, địa phương theo quy định tại Nghị định số 20/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Công tác tiếp công dân được thực hiện theo quy định của Luật Tiếp công dân; việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất được duy trì; ngoài việc tổ chức tiếp dân đột xuất còn bố trí tiếp dân, đối thoại tại nơi công dân khiếu nại, tố cáo. Trong năm, các đơn vị địa phương đã tiếp nhận và chỉ đạo xử lý 05 khiếu nại, phản ánh của doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Thứ ba, về cải cách thủ tục hành chính

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, của Tỉnh ủy, thời gian qua tỉnh đã tích cực, chủ động điều hành tăng cường, nâng cao công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn. Các TTHC của các sở, ban, ngành đều được niêm yết, công khai đầy đủ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đồng thời đăng tải trên trên Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến của UBND tỉnh. Đến ngày 06/12/2019 trên địa bàn tỉnh có 45 Quyết định công bố TTHC đang có hiệu lực với 1.786 TTHC, trong đó có 1.318 TTHC cấp tỉnh, 310 TTHC cấp huyện và 122 TTHC cấp xã, 39 TTHC liên thông. Các TTHC của các sở, ban, ngành đều được niêm yết, công khai đầy đủ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đồng thời đăng tải trên trên Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, 100% các TTHC đều được cập nhật, đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Cơ sở dữ liệu Cổng dịch vụ công quốc gia để cá nhân, tổ chức tra cứu, thực hiện.

Hầu hết TTHC các lĩnh vực áp dụng trên địa bàn tỉnh được công bố chuẩn hóa ở cả 3 cấp chính quyền và xây dựng quy trình nội bộ TTHC để có cơ sở xây dựng quy trình điện tử. Nhiều TTHC được rút ngắn thời gian thực hiện, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, tuân thủ pháp luật.

Công tác chỉ đạo, điều hành qua hệ thống điện tử được đẩy mạnh. UBND tỉnh đã triển khai thực hiện hệ thống gửi nhận văn bản, hệ thống thư điện tử của tỉnh, phần mềm theo dõi chỉ đạo của UBND tỉnh, hồ sơ công việc; dịch vụ công trực tuyến... từng bước hiện đại hóa nền hành chính công vụ theo hướng Chính phủ điện tử. Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thường xuyên rà soát, hạn chế tối đa các bất cập, “lỗ hổng” dễ làm phát sinh tiêu cực đối với doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 còn một số khó khăn, vướng mắc như: Việc xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp để nâng xếp hạng chỉ số B1 mới triển khai, chưa được tập huấn cụ thể nên việc áp dụng các giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật còn lúng túng; Việc tiếp tục đơn giản hóa quy trình, cắt giảm thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết của các TTHC còn gặp nhiều khó khăn; Việc xây dựng và tổ chức thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật của một số cơ quan, ban, ngành và UBND các phường, xã còn hiệu quả chưa cao; Việc triển khai tại Trung tâm hành chính công cấp huyện giữa các Chi cục Thuế trong tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính về nhà, đất chưa thống nhất, chưa thực sự phát huy hiệu quả…

Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, để “cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật” theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, xin có một số đề xuất, kiến nghị sau: Các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định không rõ ràng, cụ thể, không khả thi, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, kiểm soát chẽ việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trên tinh thần quán triệt và tuân thủ triệt để các yêu cầu, tiêu chí đặt ra trong các Nghị quyết của Chính phủ; Tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh; Tăng cường chia sẻ dữ liệu cho các địa phương, quan tâm hơn nữa trong việc giải đáp những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ cho các cơ quan, đơn vị ở địa phương để việc tổ chức thực thi pháp luật được chính xác, thống nhất, đồng bộ nhằm làm giảm phí tuân thủ pháp luật. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện thể chế công tác theo dõi thi hành pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện; tiếp tục nâng cao nâng cao chất lượng thẩm định trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời tăng cường tập huấn nội dung nâng xếp hạng chỉ số B1 cho đội ngũ cán bộ, công chức chuyên môn tại địa phương.

Thanh Hoa

 TIN TỨC LIÊN QUAN