Đảm bảo quyền con người trong xây dựng pháp luật

        Quyền con người là giá trị phổ quát và tất cả người dân ở quốc gia nào cũng đều mong muốn quyền của mình được bảo đảm. Đối với Việt Nam, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong nhiều thập kỷ qua. Điều nay được thể hiện ở nhiều phương diện, đặc biệt là trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

        Hiến pháp năm 2013 được xây dựng trên cơ sở kế thừa di sản của các bản Hiến pháp trước đó (Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992), đồng thời đã có nhiều điểm mới, quan trọng phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới. Bản Hiến pháp này gồm có 11 chương, 120 Điều. Trong đó, chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là chương có Điều luật nhiều nhất, gồm 36 Điều (từ Điều 14 đến Điều 49). Đây là chương quan trọng vì nói đến lập hiến là nói đến mối quan hệ giữa công dân và các cơ quan Nhà nước. Quyền con người được quy định trong chương II của Hiến pháp 2013, được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại chương V của Hiến pháp năm 1992 (Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân). So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 bổ sung nhiều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều này được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu như:

        Một là, đưa vị trí chương "Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân"  từ chương V trong Hiến pháp năm 1992 về chương II trong Hiến pháp 2013. Việc thay đổi vị trí nói trên không đơn thuần là sự thay đổi về bố cục mà là một sự thay đổi về nhận thức. Với quan niệm đề cao chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp, coi nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước, thì quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải được xác định ở vị trí quan trọng hàng đầu trong một bản Hiến pháp. Việc thay đổi này là sự kế thừa Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp của nhiều nước trên thế giới, thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

        Mặc dù Hiến pháp năm 1992 đã thừa nhận thuật ngữ “quyền con người” - thông qua quy định “quyền con người về chính trị, dân sự và kinh tế, văn hóa, xã hội được thể hiện trong quyền công dân” tại Điều 50, Hiến pháp năm 1992 lại chưa phân biệt rạch ròi được quyền con người với các quyền cơ bản của công dân.  Khắc phục thiếu sót đó, Hiến pháp năm 2013 đã có sự phân biệt giữa “quyền con người” và “quyền công dân”. Trong Hiến pháp sửa đổi, khi nói đến quyền con người thì dùng từ “mọi người”, khi nói đến công dân Việt Nam thì dùng từ “công dân”. Quy định này thể hiện sự phát triển quan trọngvề nhận thức và tư duy trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp. Theo quy định tại Điều 14, không ai được tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền, ngoại trừ các trường hợp cần thiết nói trên do Luật định. Như vậy, Hiến pháp sửa đổi quy định: việc hạn chế quyền con người, quyền công dân dứt khoát phải được quy định bằng Luật, không phải bằng văn bản dưới luật.

        Hai là, Hiến pháp mới bổ sung một số quyền mới, thể hiện bước tiến mới trong việc mở rộng và phát triển quyền, phản ảnh kết quả của quá trình đổi mới gần 30 năm qua ở nước ta. Đó là Quyền sống (Điều 19), Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20), Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, Quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43). Việc ghi nhận các quyền mới này hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, thể hiện nhận thức ngày càng rõ hơn về quyền con người và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện quyền con người.

        Ba là, kỹ thuật lập hiến có nhiều đổi mới. Cách thể hiện có những điều riêng quy định về nguyên tắc như Điều 14, Điều 15. Các nhà lập hiến đã tham khảo các Điều ướcquốc tế mà Nhà nước ta là thành viên để nội dung các cách diễn đạt đảm bảo sự tương thích. Ngoài ra, quyền con người không chỉ đề cập ở chương II mà ở nhiều chương khác như chương về Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân. Như vậy, bộ máy nhà nước được lập ra để bảo vệ quyền con người. Cách tiếp cận quyền con người này thể hiện sự kế thừa và tiếp thu quan điểm tiến bộ của các nước trên thế giới.

        Tính từ năm 2014 đến hết tháng 11/2019, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 100 văn bản Luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân phù hợp với Hiến pháp 2013. Trong số đó có những Luật cơ bản, quan trọng như: Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, Luật Trưng cầu dân ý 2015, Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016, Luật Trẻ em 2016, Luật Báo chí 2016, Luật Tiếp cận thông tin 2016, Luật An ninh mạng 2018, Luật Đặc xá 2018,… Trong năm 2019, QH tiếp tục thông qua nhiều Luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân như: Luật Thi hành án hình sự, Bộ Luật lao động, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam,…

        Trong lĩnh vực hình sự và tố tụng: Bộ luật Hình sự 2015 thể chế hóa chủ trương tăng cường khả năng áp dụng các chế tài không tước tự do, hạn chế hình phạt tù, tiếp tục thể chế hóa chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tử hình được khẳng định tại các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp; sửa đổi, bổ sung chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, đặc biệt là đối với các em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, theo hướng bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em trên tinh thần bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên… Nguyên tắc suy đoán vô tội, không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm, tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 cũng điều chỉnh, mở rộng diện mạo người bào chữa gồm cả Trợ giúp viên pháp lý để bào chữa miễn phí cho các đối tượng chính sách, mở rộng các trường hợp bắt buộc cơ quan tố tụng phải mời người bào chữa, bảo đảm cho người bào chữa nhanh chóng tiếp cận với quá trình giải quyết vụ án, bổ sung quy định người bị bắt/bị can/bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống đối mình hoặc buộc phải nhận tội. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án có hiệu lực của Tòa án,…

        Trong lĩnh vực dân sự và kinh tế: Bộ luật Dân sự 2015 đã bổ sung các nguyên tắc chung về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự; quy định trách nhiệm của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác trong việc bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Các luật như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đẩu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Phá sản,… đã hoàn thiện thể chế pháp lý bảo đảm thực thi quyền hiến định về tự do kinh doanh, góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam.

        Việc hoàn thiện khung pháp luật về quyền con người, quyền công dân nói trên đã phản ánh đúng bản chất của chế độ ta, đó là xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Tăng cường cơ chế dân chủ, công khai để mọi cá nhân trong xã hội đều có thể tham gia xây dựng, quản lý xã hội, giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước cũng như tạo ra khuôn khổ pháp lý để các cơ quan nhà nước hoạt động tốt hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của mọi tầng lớp Nhân dân./.

Thành Trung

 TIN TỨC LIÊN QUAN