Đấu giá trực tuyến-Những vấn đề cần trao đổi

 

         Đấu giá trực tuyến là hình thức đấu giá mới lần đầu tiên được pháp luật Việt Nam quy định. Đây cũng là  xu thế tất yếu đáp ứng nhu cầu  phát triển của kinh tế xã hội trong nước cũng như  trên thế giới. Đây là hình thức đấu giá được xây dựng  trên nguyên tắc bảo đảm tính khách quan, minh bạch và an toàn. Qua tham khảo thông tin từ Cục Bổ trợ Bộ Tư pháp, hiện nay mô hình đấu giá trực tuyến ở các nước có điều kiện gần với Việt nam có thể học hỏi kinh nghiệm đấu giá trực tuyến như Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO). KAMCO được Chính phủ Hàn Quốc cho phép thực hiện bán đấu giá tài sản công thông qua hệ thống đấu giá trực tuyến (có thu lệ phí tham gia) để thu hồi tiền về ngân sách. Từ sự thành công của hệ thống đấu giá trực tuyến của KAMCO, tháng 10-2014, hình thức đấu giá tài sản công truyền thống đối với tài sản công đã bị hủy bỏ, chuyển 100% các cuộc đấu giá sang hình thức trực tuyến do KAMCO thực hiện.

 

          Ở Việt Nam hiện nay, qua tìm hiểu cho thấy mới có một số ít tổ chức đấu giá tài sản (04 tổ chức) nghiên cứu và đang trình Sở Tư pháp Đề án đấu giá trực tuyến để thẩm định. Trên cơ sở các quy định pháp luật có liên quan và tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp tôi thấy để triển khai hình thức đấu giá trực tuyến cần xem xét một số vấn đề như:

 

          Về điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến: Tổ chức đấu giá tài sản thiết lập Trang thông tin điện tử phải đáp ứng các điều kiện như có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, có đội ngũ nhân viên điều hành hệ thống kỹ thuật Trang thông tin đấu giá trực tuyến và phải có phương án giải pháp kỹ thuật vận hành an toàn hệ thống kỹ thuật Trang thông tin đấu giá trực tuyến. Do đó, Tổ chức đấu giá tài sản phải chủ động trong việc sử dụng Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến, nếu chỉ đặt mua phần mềm và thuê duy trì sử dụng dịch vụ từ các đơn vị bên ngoài thì sẽ bị phụ thuộc và việc giữ bảo mật thông tin đấu giá sẽ khó khăn. Vì vậy tổ chức đấu giá tài sản sẽ phải thường xuyên đầu tư chi phí cho việc đào tạo đội ngũ nhân viên kỹ thuật và nâng cấp, bảo trì trang Thông tin điện tử của mình.

 

          Về cơ sở pháp lý: Nghị định số 62/2017/NĐ - CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản (Sau đây gọi là Nghị định số 62) đã quy định cụ thể về đấu giá trực tuyến, tuy nhiên có một số vấn đề chưa rõ như:  Tại Điều 38 Luật Đấu giá tài sản quy định về đăng ký tham gia đấu giá theo các hình thức thông thường (cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá thông qua việc nộp hồ sơ hợp lệ, tổ chức đấu giá tài sản bán hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính) và không có quy định riêng về đăng ký tham gia theo hình thức đấu giá trực tuyến. Vì vậy về thủ tục này hình thức đấu giá trực tuyến vẫn phải áp dụng theo quy định của Luật, do đó sẽ không phù hợp với hình thức giao dịch điện tử. Mặt khác tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 62 quy định: Trong trường hợp cuộc đấu giá được thực hiện bằng hình thức đấu giá trực tuyến thì tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá tài sản quy định tại Chương III và chương IV của Luật Đấu giá tài sản. Tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 62 cũng quy định việc tổ chức đấu giá tài sản thông báo công khai đấu giá tài sản đấu giá trực tuyến theo quy định tại Điều 57 Luật Đấu giá tài sản và đăng tải trên hệ thống thông tin điện tử đấu giá theo thỏa thuận với người có tài sản hoặc tổ chức có quyền đấu giá tài sản. Căn cứ các quy định trên thì đấu giá trực tuyến sẽ phải thực hiện các thủ tục như niêm yết việc đấu giá tài sản, cho xem tài sản đấu giá, đăng ký tham gia đấu giá... như đã nói ở trên theo các hình thức đấu giá thông thường. Vậy thì khi triển khai hình thức đấu giá trực tuyến theo Luật Đấu giá tài sản hiện hành sẽ không tránh khỏi khó khăn do nhiều thủ tục, mặt khác việc đấu giá trực tuyến sẽ thực hiện không còn đơn thuần chỉ là giao dịch điện tử.

 

          Để thuận lợi trong việc thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến, thiết nghĩ Bộ Tư pháp cần tham mưu sớm văn bản sửa đổi Luật Đấu giá tài sản và Nghị định 62 theo hướng quy định cụ thể hơn từ việc đăng ký tham gia đấu giá và cần rà soát lại các quy định của pháp luật liên quan đến trình tự thủ tục của hình thức đấu giá trực tuyến để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với hình thức giao dịch điện tử, tạo thuận lợi cho việc thực hiện của tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và người tham gia đấu giá.

 

Trần Thị Thúy Vinh

 TIN TỨC LIÊN QUAN