Điều kiện cấp giấy phép thành lập Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện

 

Quỹ xã hội là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học và phát triển nông nghiệp, nông thôn, không vì mục tiêu lợi nhuận. Quỹ từ thiện là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.

 

Mặc dù mục đích hoạt động khác nhau, tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân muốn thành lập các loại quỹ này cũng phải tuân thủ các điều kiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cụ thể:

 

Thứ nhất, về mục đích hoạt động: Tổ chức và hoạt động của quỹ phải nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận.

 

Thứ hai, có sáng lập viên thành lập quỹ đảm bảo tiêu chuẩn: phải là công dân, tổ chức Việt Nam. Sáng lập viên là công dân phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có án tích. Nếu là tổ chức thì phải được thành lập hợp pháp, có điều lệ hoặc văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; có nghị quyết của tập thể lãnh đạo hoặc quyết định của người đứng đầu có thẩm quyền về việc tham gia thành lập quỹ; quyết định cử người đại diện của tổ chức tham gia tư cách sáng lập viên thành lập quỹ; trường hợp tổ chức Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì người đại diện tổ chức làm sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân Việt Nam. Các sáng lập viên phải đóng góp tài sản hợp pháp thành lập quỹ. Trường hợp sáng lập viên đó thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ trước khi gửi hồ sơ về cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Thứ ba, Ban sáng lập quỹ có đủ số tài sản đóng góp để thành lập quỹ. Tài sản bao gồm tiền đồng Việt Nam; Tài sản được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam (bao gồm: Hiện vật, ngoại tệ, giấy tờ có giá, các quyền tài sản khác) của công dân, tổ chức Việt Nam là sáng lập viên, của cá nhân, tổ chức nước ngoài góp với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ. Đối với tài sản là trụ sở, trang thiết bị, công nghệ phải do tổ chức thẩm định giá được thành lập hợp pháp định giá, thời điểm định giá tài sản không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ thành lập quỹ. Trường hợp tài sản đóng góp thành lập quỹ bao gồm cả tài sản khác không bao gồm tiền đồng Việt Nam thì số tiền đồng Việt Nam phải đảm bảo tối thiểu 50% tổng giá trị tài sản.

 

Thứ tư, hồ sơ thành lập quỹ đảm bảo theo quy định, bao gồm: Đơn đề nghị thành lập quỹ; Dự thảo điều lệ quỹ; Bản cam kết đóng góp tài sản thành lập quỹ của các sáng lập viên, tài liệu chứng minh tài sản đóng góp để thành lập quỹ; Sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp của các thành viên Ban sáng lập quỹ và các tài liệu khác theo quy định. Sáng lập viên thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định thì có văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ. Văn bản bầu các chức danh Ban sáng lập quỹ; Văn bản xác nhận nơi dự kiến đặt trụ sở của quỹ.

 

Sau khi hoàn thiện các điều kiện trên, quỹ nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền và sẽ được xem xét cấp giấy phép thành lập. Có giấy phép thành lập là một trong các điều kiện để được hoạt động. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện phải tìm hiểu kỹ về các điều kiện trên./.

 

                                                                                           Kim Lân

 TIN TỨC LIÊN QUAN