Giới thiệu những điểm mới nổi bật của Luật Cạnh tranh năm 2018
So với Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật có những điểm mới nổi bật sau:
Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.Có một vấn đề là bản thân thị trường có rất nhiều hành vi, nhiều giao dịch của doanh nghiệp xảy ra ở ngoài lãnh thổ VN đặc biệt là các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, thỏa thuận cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bên ngoài thị trường VN, ví dụ như thỏa thuận giữa các nhà sản xuất, phân phối, giữa các nhà xuất khẩu với nhập khẩu VN… hoặc các giao dịch M&A. Các doanh nghiệp cũng như các bên có liên quan đều nhận thấy những hoạt động đó có những tác động và có ảnh hưởng nhất định đến thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên với những giao dịch ngoài lãnh thổ VN thì Luật Cạnh tranh 2004 đã không điều chỉnh. Chính vì vậy Luật Cạnh tranh 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, nghĩa là bất cứ một hành vi, một thỏa thuận hay một giao dịch M&A nào xảy ra ở bất cứ nơi đâu, kể cả trong lãnh thổ VN hay ngoài lãnh thổ VN nhưng có khả năng tác động gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể tới thị trường VN thì đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2018.
Với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh này thì tất cả hành vi, những hoạt động của các doanh nghiệp mà thực hiện ngoài lãnh thổ VN từ ngày 1-7-2019 sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2019.
Theo đó, đối tượng áp dụng cũng được mở rộng để phù hợp với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh. Và Luật Cạnh tranh 2018 đã mở rộng thêm cơ quan tổ chức trong nước và ngoài nước.
Thứ hai, luật đã sửa đổi, bổ sung và làm rõ những hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước (NN):
Trong thời gian qua cũng có khá nhiều cơ quan quản lý NN, cụ thể là UBND các tỉnh, sở, các cơ quan quản lý NN các bộ, ngành đã ban hành những văn bản có những tác động bất lợi và có sự phân biệt đối xử và tạo những tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường thì cũng đã được Luật Cạnh tranh 2004 điều chỉnh.
Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh 2004 mặc dù đưa ra các hành vi bị cấm đối với các cơ quan NN nhưng đã không có bất cứ một hình thức xử lý nào, khiến cho các quy định đó rất khó đi vào cuộc sống và không có được hiệu quả thực thi nhất định.
Chính vì vậy Luật Cạnh tranh 2018 bên cạnh việc bổ sung thêm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh thì cũng có điều quy định về mức xử lý vi phạm đối với loại hành vi này.
Đây là điểm mới nhằm nâng cao hiệu quả thực thi của Luật Cạnh tranh một cách toàn diện với tất cả chủ thể, của tổ chức, cá nhân mà thực hiện hành vi được coi là có tác động bất lợi đến cạnh tranh trên thị trường.
Thứ ba, hoàn thiện quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và bổ sung quy định về chính sách khoan hồng để tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật cạnh tranh.
Trước đây chúng ta cấm các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh dựa trên một số tiêu chí, ví dụ dựa trên mức thị phần kết hợp giữa các doanh nghiệp tham gia khi cạnh tranh, thì Luật Cạnh tranh lần này quy định các tiêu chí đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, điểm mới của luật cũng đưa ra quy định chính sách khoan hồng để tăng cường khả năng phát hiện điều tra các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hiện đang có xu hướng ngầm hóa và rất tinh vi, khiến việc tìm ra các chứng cứ thực sự là không dễ dàng.
Thứ tư, bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường. Trước đây với Luật Cạnh tranh 2004, khi xác định vị trí của một doanh nghiệp trên thị trường có phải là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hay không thì dựa vào tiêu chí thị phần trên thị trường chiếm trên 30%.
Bản thân với tiêu chí này ở các nước trên thế giới và đối với thực tiễn phát triển của một nền kinh tế là chưa đủ. Bởi lẽ rất nhiều doanh nghiệp trên thị trường có thị phần chưa tới 30% nhưng họ vẫn có một sức mạnh thị trường đáng kể và để thông qua sức mạnh thị trường đó, họ có thể can thiệp vào thị trường về giá, về sản lượng, đầu vào, đầu ra…
Do đó Luật Cạnh tranh 2018 đã bổ sung thêm yếu tố khác ngoài yếu tố thị phần để xác định doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường. Tức là những doanh nghiệp có thị phần dưới 30% thì cơ quan cạnh tranh sẽ đánh giá hoặc bản thân doanh nghiệp cũng có thể đánh giá theo các quy định rất cụ thể trong Luật Cạnh tranh 2018 để xem rằng liệu doanh nghiệp có vị trí sức mạnh thị trường hay không.
Ở đây việc xác định sức mạnh thị trường một cách đáng kể hay xác định nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh để làm gì? Bởi pháp luật không cấm doanh nghiệp gia tăng sức mạnh thị trường hay có vị trí thống lĩnh, thậm chí có vị trí độc quyền đều không cấm. Đó là quyền phát triển nội tại của doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu như doanh nghiệp lạm dụng vị trí đó để thực hiện các hành vi phản cạnh tranh trên thị trường thì hành vi đó sẽ bị cấm theo Luật Cạnh tranh.
Chính vì vậy việc xác định doanh nghiệp có vị trí như thế nào trên thị trường là điều kiện tiên quyết để xem xét các hành vi lạm dụng của doanh nghiệp. Bên cạnh tiêu chí xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh 2018 cũng quy định thêm các nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường.
Luật Cạnh tranh 2004 chỉ quy định đến nhóm bốn doanh nghiệp nhưng Luật Cạnh tranh 2018 đã quy định đến nhóm năm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường. Nhưng có một điểm đáng lưu ý là những doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường, trong đó không có doanh nghiệp nào có thị phần dưới 10%.
Có nghĩa là một nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường nhưng có một doanh nghiệp có thị phần dưới 10% thì nhóm đó không bị coi là nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường.
Thứ năm, thay đổi về cách tiếp cận để hoàn thiện các quy định kiểm soát tập trung kinh tế. Cách tiếp cận tập trung kinh tế trong luật lần này có sự thay đổi hết sức căn bản. Việc xem xét một giao dịch tập trung kinh tế sẽ căn cứ trên đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh của tập trung kinh tế và thẩm quyền đánh giá tác động này sẽ thuộc về cơ quan cạnh tranh.
Thứ sáu, luật đã hoàn thiện quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, luật không tiếp tục quy định một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định trong một số luật khác và khẳng định nguyên tắc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định tại các luật khác được thực hiện theo pháp luật từng ngành đó.
Điểm mới bổ sung đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là các doanh nghiệp cần lưu ý đó là quy định về hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ mà nhằm dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.
Thứ bảy, tổ chức lại cơ quan cạnh tranh. Theo luật quy định 2018, Việt Nam chỉ có một cơ quan cạnh tranh duy nhất đó là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Cơ quan này vẫn trực thuộc Bộ Công Thương nhưng mô hình của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia vẫn đảm bảo được tính độc lập trong việc điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là một cơ quan vừa thực thi quản lý NN trong lĩnh vực cạnh tranh nhưng cũng đồng thời thực thi tố tụng cạnh tranh. Có thể hiểu nôm na là cơ quan “bán tư pháp”, vừa quản lý NN nhưng cũng có hoạt động tố tụng điều tra, xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh.
Thứ tám, luật đã hoàn thiện các quy định về trình tự thủ tục trong tố tụng cạnh tranh theo hướng đơn giản, nhiều hoạt động được rút ngắn thời gian và có sự phân định rõ hơn các khâu, cũng như trách nhiệm trong việc tiến hành tố tụng và xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh.
Nguyễn Huyền