Góp ý một số nội dung dự thảo Luật Phòng, chống ma túy

         Luật phòng, chống ma túy năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma túy sau một thời gian thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, cũng như phát sinh một số tồn tại vướng mắc như: Chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính về quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự về thẩm quyền điều tra của Bộ đội Biên phòng… vì vậy, việc xây dựng dự thảo Luật Phòng chống ma túy (thay thế cho Luật năm 2000 và Luật sửa đổi năm 2008) là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, đảm bảo trật tự, an toàn xã hộị.

           Qua nghiên cứu cho thấy, dự thảo tiếp tục kế thừa quy định hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung để phù hợp và đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn, do đó cơ bản tôi cũng đồng tình cao với nội dung dự thảo, ngoài ra, xin có một số ý kiến góp ý như sau:

          Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo (Điều 1)

          Ở góc độ nghiên cứu pháp luật thì phạm vi điều chỉnh của văn bản QPPL là giới hạn mối quan hệ, sự vật, sự việc mà văn bản đó điều chỉnh. Các nội dung trong dự thảo sẽ được xác định ngay trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo. Đối với văn bản này, trong dự thảo cũng đã nêu tương đối đầy đủ về phạm vi điều chỉnh của dự thảo văn bản. Theo đó, dự thảo quy định về phạm vi điều chỉnh như sau: Luật này quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng chóng ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

          Tuy nhiên, về tên gọi của dự thảo luật là Phòng chống ma túy và trong dự thảo cũng đã cụ thể hóa nội dung của phòng chống ma túy thông qua các chương như: quy định về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng chóng ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy. Do đó, việc đưa nội dung phòng chống ma túy vào trong phạm vi điều chỉnh là rộng quá và bao trùm hết các nội dung còn lại, đề nghị không đưa nội dung phòng chống ma túy vào phạm vi điều chỉnh và chỉnh sửa theo hướng: Luật này quy định về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng chóng ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

          Về đối tượng áp dụng của văn bản

          Trong dự thảo chưa quy định riêng điều khoản về đối tượng áp dụng của văn bản. Theo quan điểm của các nhà làm luật thì đối tượng áp dụng của văn bản được hiểu là đối tượng (tổ chức, cá nhân) chịu tác động trực tiếp của văn bản;cơ quan quản lý nhà nước để tổ chức thực hiện văn bản và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan). Tại khoản 2 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì “Đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp dụng văn bản đó sau khi được ban hành”. Đồng thời Luật cũng quy định cơ quan được giao soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản; Trách nhiệm của Cơ quan thẩm định văn bản là thẩm định đối tượng điều chỉnh của văn bản. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xác định rõ đối tượng áp dụng của văn bản để tách thành một một điều quy định về đối tượng áp dụng của văn bản.

          Về lập hồ sơ các hoạt động hợp pháp khác liên quan đến ma túy (Điều 17)

          Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lập hồ sơ khi tiến hành các hoạt động quy định tại các Điều 13, 14, 15 và 16 của Luật này theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và thông báo cho các cơ quan có liên quan khi có yêu cầu để phối hợp quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, quy định này còn chung chung, chưa cụ thể, đồng thời qua nghiên cứu các điều Điều 13, 14, 15 và 16, trường hợp cần thiết phải lập hồ sơ đối với các hoạt động này thì chỉ là hồ sơ lưu trữ . Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xác định đây chỉ là nhiệm vụ lập Hồ sơ lưu trữ các hoạt động này để đảm bảo tính rõ ràng của dự thảo văn bản.

          Về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (điều 23)

          Khoản 1 điều 23 quy định “Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của họ. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý hành chính”. Tuy nhiên, nội dung này mang tính chất giải thích từ ngữ như thế nào là Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo chuyển nội dung này thành một khoản trong Điều 2 về giải thích từ ngữ.

          Về quyền của cơ sở cai nghiện công lập, cơ sở cai nghiện do cá nhân tổ chức thành lập (Điều 35,36)

          Tại điều 35, 36 dự thảo quyền của cơ sở cai nghiện công lập, cơ sở cai nghiện do cá nhân tổ chức thành lập: “Tiếp nhận, từ chối nhận người nghiện ma túy vào cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở”. Tuy nhiên, để thực hiện chính sách của nhà nước ta là phòng, chống ma túy kết hợp với phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác, vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xác định việc tiếp nhận người nghiện ma túy vào cai nghiện ma túy vừa là quyền nhưng cũng vừa là trách nhiệm của tổ chức cai nghiện ma túy.

          Đồng thời, để tránh trường hợp lạm dụng thực hiện quyền từ chối nhận người nghiện ma túy vào cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện chính sách cai nghiện ma túy, đề nghị xem xét quy định hoặc giao cho cơ quan có thẩm quyền quy định rõ về các trường hợp cơ sở cai nghiện ma túy được quyền từ chối tiếp nhận người nghiện ma túy.

          Về hiệu lực thi hành (Điều 54)

          Dự thảo quy định “Luật Phòng, chống ma túy số 23/2000/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2008/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành”. Tuy nhiên, liên quan đến hoạt động phòng chống ma túy, có 02 văn bản đang còn hiệu lực (Luật Luật Phòng, chống ma túy số 23/2000/QH10, Luật số 16/2008/QH12 sửa đổi bổ sung một số điều Luật Phòng, chống ma túy số 23/2000/QH10. Do đó, dự thảo quy định chỉ luật nêu trên hết hiệu lực là chưa đầy đủ. Đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung./.

                    Hải Giang

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN