Hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý

 

 

Trợ giúp pháp lý (TGPL) ở nước ta ra đời khá muộn so với lịch sử nền Tư pháp Việt Nam. Hoạt động này được nghiên cứu từ năm 1995 và ra đời vào những năm cuối của thế kỷ XX (1997) trên nền tảng những thành tựu phát triển của những năm đầu đổi mới, sự kiểm nghiệm thành công của những định hướng đúng đắn được vạch ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và sự phát triển của dịch vụ pháp lý. Mặc dù ra đời muộn như vậy nhưng TGPL lại có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đời sống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với người nghèo, những đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế, khó khăn khác trong xã hội thông qua việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho họ, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

 

Đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hoạt động TGPL có mối quan hệ mật thiết. Thông qua hoạt động TGPL, bằng các hình thức như: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL, v.v... người thực hiện TGPL phổ biến, giáo dục pháp luật cho người được TGPL, giúp họ nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật để xử sự phù hợp với các quy định của pháp luật và biết vận dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình khi bị xâm phạm. Điểm nổi bật của PBGDPL thông qua hoạt động TGPL là tập trung vào những lĩnh vực pháp luật có liên quan trực tiếp đến những vướng mắc pháp luật hoặc những vụ việc cụ thể của người yêu cầu TGPL nên có mức độ ảnh hưởng sâu sắc tới bản thân người được TGPL, đồng thời có sức lan tỏa tới những người xung quanh.

 

Là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác PBGDPL và TGPL, Sở Tư pháp đã chủ động ký kết chương trình phối hợp giai đoạn, hàng năm với các cơ quan, tổ chức như Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh,...; đồng thời thường xuyên tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã để triển khai hiệu quả việc tuyên truyền, PBGDPL thông qua hoạt động TGPL. Đặc biệt, trong hoạt động này vai trò tham mưu của Trung tâm TGPL nhà nước được chú trọng phát huy. Đây là đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp có bề dày phát triển hơn 20 năm; ngoài đội ngũ trợ giúp viên có trình độ chuyên môn và tâm huyết, hiện Trung tâm có 153 cộng tác viên TGPL, trong đó có 08 luật sư thuộc các văn phòng luật sư và công ty luật ký hợp đồng thực hiện, 32 cộng tác viên là cán bộ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, 113 cộng tác viên cấp huyện và cơ sở.Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng gồm08thànhviên do đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp làm Chủ tịch Hội đồng. Chính vì vậy, công tác PBGDPL thông qua hoạt động TGPL được triển khai kịp thời, hiệu quả, có thể kể đến một số kết quả nổi bật như:

 

PBGPL thông qua hoạt động TGPL tại cơ sở: Từ năm 2007 đến nay, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nước phối hợp với UBND 13 huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, tổ chức như Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh,... tổ chức 926 cuộc TGPL tại cơ sở. Qua đó đã thực hiện PBGDPL cho hơn 55.000 người dân. Nội dung pháp luật được tuyên truyền, phổ biến đa dạng,được chọn lọc thông qua việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng nhóm đối tượng và đặc điểm cụ thể của từng địa phương. Đồng thời với hình thức thực hiện phù hợp đã đảm bảo được chất lượng thông tin pháp luật chuyển tải và nhu cầu, thị hiếu của đối tượng tham gia, được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến, đã có hơn 200.000 tài liệu là tờ gấp pháp luật được cấp phát miễn phí cho người dân, trong đó đa số tài liệu do chính Trung tâm TGPL nhà nước tham mưu Sở Tư pháp xây dựng.

 

Công tác PBGDPL thông qua hoạt động TGPL đã bám sát và phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh. Đơn cử như:

 

Trong sự cố môi trường biển xảy ra tại 4 tỉnh Miền Trung, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nước tổ chức 32 cuộc TGPL tại các xã là điểm nóng của sự cố này (như Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh; Thạch Kim, huyện Lộc Hà). Qua đó kịp thời tuyên truyền, phổ biến đến bà con Nhân dân các địa phương chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân bị thiệt hại bởi sự cố, đồng thời tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.

 

Hay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPLnhà nước tổ chức 30 cuộc TGPL tại 30 xã, thị trấnthuộc huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, LộcHà. Ngoài việc trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cho 755 đối tượng thì thông qua đó đã phổ biến nhiều văn bản pháp luật được Nhân dân quan tâm như: Pháp luật về đất đai, dân sự, hình sự, bảo trợ xã hội, lao động, việc làm, bảo hiểm, v.v…Tổng cộng có hơn 3.000 lượt ngườidân đã được tuyên truyền, phổ biến các văn bản này.

 

Thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nướctổ chức 57 cuộc TGPLtại 11 xã trên địa bàn huyện Vũ Quang. Qua đó đã thực hiện tư vấn hướng dẫn 776 vụ việc và tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật cơ bản, thiết yếu cho hơn 3.482 lượt người dân.

 

Thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách TGPLcho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPLnhà nước tổ chức 189 cuộc TGPLtại 80 xã nghèo, 89 thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc trực tiếp tư vấn,hướng dẫn cho 2.266 đối tượng thì đã tập trung tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, Luật TGPL, Luật Đất đai, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Hộ tịch, Luật Giao thông đường bộ, v.v… cho hơn 12.337 lượt người dân.

 

PBGDPL thông qua hoạt động tư vấn pháp luật: Tư vấn pháp luật là hình thức TGPL phổ biến, được áp dụng thường xuyên ở tất cả các tổ chức thực hiện TGPL. Trong giai đoạn 2007 - 2018, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nước tiếp nhận, tư vấn 20.038 vụ việc. Trong quá trình tư vấn, cán bộ TGPL phổ biến cho người dân các văn bản pháp luật liên quan đến vụ, việc; giải đáp những vướng mắc người dân gặp phải; đưa ra lời khuyên, giải pháp, phương án để người dân lựa chọn cách giải quyết vụ việc. Hoạt động tư vấn do đó đã giúp cho người dân nắm vững các quy định của pháp luật, từ đó biết vận dụng pháp luật phù hợp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình, hình thành lòng tin vào pháp luật và sự công bằng trong xã hội. Đẩy mạnh hoạt động này, hiện nay Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nước đa dạng các cách thức tiếp nhận và thực hiện tư vấn pháp luật cho người dân cụ thể trực tiếp tại cơ sở, trực tiếp tại trụ sở Trung tâm, qua đường dây nóng và qua email.

 

PBGDPL thông qua hoạt động tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng: Tính đến nay,Sở Tư pháp đã chỉ đạoTrung tâm TGPL nhà nước cử Trợ giúp viên, Cộng tác viên TGPL (là Luật sư) tham gia tố tụng 2.320 vụ việc. Trong quá trình tham gia tố tụng, bên cạnh việc sử dụng các biện pháp mà pháp luật tố tụng quy định để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, các Trợ giúp viên và Cộng tác viên TGPL đồng thời thực hiện PBGDPL cho người được TGPL, người đại diện hợp pháp của họ, những người có liên quan và những người tham dự phiên tòa bằng việc hướng dẫn, giải thích cho họ về các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; trình tự, thủ tục tiến hành tố tụng tại Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án... Việc nắm vững các quy định pháp luật giúp cho bị can, bị cáo và các đương sự khác thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tin tưởng vào sự phán quyết của Tòa án.

 

Sở Tư pháp cũng đã chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nước cử Trợ giúp viên, Cộng tác viên TGPL tham gia đại diện ngoài tố tụng 312 vụ việc. Trong quá trình tiếp xúc, trao đổi với người được TGPL để thực hiện việc đại diện, Trợ giúp viên và Cộng tác viên TGPL đồng thời thực hiện PBGDPL cho người được TGPL bằng việc hướng dẫn, giải thích cho họ về các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ, các trình tự, thủ tục cần thiết để làm việc với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết vụ việc...

 

PBGDPL thông qua hoạt động của Câu lạc bộ TGPL: Đượcchú trọngxây dựng từ năm 2007, đến nay Sở Tư pháp đã phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã thành lập được 31 Câu lạc bộ TGPL tại cấp xã. Đây là một hình thức hoạt động TGPL cộng đồng, sinh hoạt định kỳ hàng tháng dưới sự hướng dẫn của Trung tâm TGPL nhà nước. Tính tổng chung 31 Câu lạc bộ đến nay đã tổ chức sinh hoạt được 2.598 lần với hơn 90.000 lượt người tham dự. Nội dung sinh hoạt của các Câu lạc bộ tập trung vào những vấn đề như: Nghe những thông tin mới về pháp luật, thời sự, thảo luận về các tình huống pháp lý xảy ra thực tế tại cơ sở; tìm hiểu các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong các chế định pháp lý; tìm hiểu về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; thảo luận, tìm hiểu về các chính sách ưu đãi, miễn giảm nghĩa vụ đối với người nghèo, người có công, người già cô đơn, người dân tộc thiểu số; tìm hiểu các luật tục của địa phương; trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện tư vấn pháp luật, hòa giải những tranh chấp ở địa phương;... Với nội dung sinh hoạt như vậy, Câu lạc bộ TGPL thực sự là một hình thức PBGDPL hiệu quả và có chiều sâu. Các hội viên tham gia sinh hoạt không chỉ tiếp nhận kiến thức pháp luật một chiều mà còn có cơ hội trao đổi, thảo luận, vận dụng chính các quy định pháp luật đã được tìm hiểu để giải quyết các vướng mắc thực tế xảy ra trên địa bàn. Việc sinh hoạt theo định kỳ tạo ra “sân chơi” thường xuyên, ổn định cho người dân tại địa phương trong việc cập nhật kiến thức pháp luật mới, giúp hình thành thói quen “sống và làm việc theo pháp luật” cũng như trau dồi kỹ năng vận dụng pháp luật để tự giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống hàng ngày tại cộng đồng.

 

Có thể nói với nội dung và cách thức triển khai đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, hoạt động TGPL của Sở Tư pháp trong thời gian qua đã thực sự trở thành yếu tố quan trọng, không thể thiếu, góp phần không ngừng tăng cường hiệu quả công tác PBGDPL, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả PBGDPL thông qua hoạt động TGPL, trong thời gian tới cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, đặc biệt là lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:

 

Một là, nâng cao nhận thức cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò của công tác TGPL đối với đời sống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, yếu thế và có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

 

Hai là,tăng cường vai trò của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL và mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể trong việc triển khai các hoạt động TGPL. Phát huy vai trò của Hội Luật gia cơ sở trong việc tham gia các hoạt động tư vấn, hướng dẫnTGPL cho người dân.

 

Balà, chú trọng nâng cao về số lượng và chất lượng đội ngũthực hiện TGPL, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ PBGDPL trong hoạt động TGPL cho đội ngũ này. Có chính sách khen thưởng phù hợp, kịp thời cho họ.

 

Bốnlà, đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp PBGDPL thông qua hoạt động TGPL theo hướng ngày càng thiết thựcvà hiệu quả hơn,qua đó một mặt nâng cao nhận thức cho người dân, mặt khác giúp họ có khả năng vận dụng vào thực tiễn cuộc sốngtừ đó để làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của người dân đối với pháp luật, tôn trọng pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.

 

Năm là, quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, bảo đảm trang thiết bị, phương tiện làm việc thiết yếu cho công tác PBGDPL và TGPL; khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội tham gia các công tác này./.

 

Thành Trung

 TIN TỨC LIÊN QUAN