Kết quả triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh

        Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản, quan trọng của công dân, được ghi nhận và khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của công dân là cơ sở để làm tăng tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước cũng như nhằm bảo đảm sự dân chủ, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

        Thực hiện nghiêm túc Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin và Kế hoạch số 296/KH-UBND ngày 19/9/2016 để chỉ đạo triển khai thi hành Luật trên địa bàn tỉnh, hàng năm trong văn bản hướng dẫn quý, Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã hướng dẫn tăng cường phổ biến, quán triệt Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể như:

        Các đơn vị, địa phương đã chủ động thực hiện việc công khai các thông tin theo quy định, trong đó tập trung vào các nội dung: văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước; thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung và kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước đưa ra lấy ý kiến Nhân dân theo quy định của pháp luật; đề án và dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính và các thông tin khác quy định tại Điều 17 của Luật tiếp cận thông tin.

        Hình thức được các đơn vị, địa phương thực hiện nhiều như: đăng tải trên Công thông tin điện tử của các đơn vị, địa phương; niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị; đăng công báo (nếu có); thông qua việc tiếp công dân, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan, đơn vị; thông qua các chuyên mục hỏi đáp chế độ, chính sách trên báo, đài Phát thanh và Truyền hình; thông qua công tác giải quyết thủ tục hành chính; tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; lấy ý kiến tại hội nghị toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan ….

        Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nhận được 20.477 lượt người yêu cầu cung cấp thông tin của công dân trong các lĩnh vực (đất đai: 2625; Y tế: 805; giáo dục: 1920 ; xây dựng, nhà ở: 203; đầu tư, kinh doanh: 2850; tài chính, ngân sách: 304; tài nguyên, môi trường: 2757; khoa học và công nghệ: 502; tư pháp: 6959; nội vụ: 364; khác: 1690) và đã thực hiện việc cung cấp thông tin bằng hình thức trực tiếp hoặc bằng văn bản cho công dân.

        Qua 03 năm triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin về cơ bản người dân đã nắm bắt được quy định của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin và cách thức để thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đã quan tâm thực hiện việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân. Việc đăng tải, cung cấp thông tin được thực hiện thường xuyên, kịp thời, cơ bản đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin của các tổ chức và cá nhân, không xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin hay khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến cung cấp thông tin. Có thể khẳng định rằng việc thực hiện có hiệu quả Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh và các văn bản có liên quan đã góp phần giúp người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh, đồng thời góp phần minh bạch, công khai hoạt động của các cơ quan nhà nước, nâng cao trách nhiệm và năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Thông qua việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đã hình thành cơ chế giám sát có hiệu quả của người dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước. Đặc biệt đã kịp thời truyên truyền, phổ biến, công khai, cung cấp thông tin về phòng, chống dịch bệnh; về việc hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai. Việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của Nhân dân góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân, tăng cường dân chủ, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định tình hình chính trị - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh nhà./.

                                                                      Kim Oanh

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN