Khó khăn, hạn chế trong công tác pháp chế

        Công tác pháp chế được quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 14/7/2011 của Chính phủ và Thông tư số 01/2015/TT-BTP ngày 15/01/2015 của Bộ Tư pháp. Theo đó, ở địa phương thì Tổ chức pháp chế thực hiện các nhiệm vụ bao gồm: xây dựng pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tham mưu về các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng. Mặc dù thời gian qua công tác pháp chế đã được các sở, ban, ngành quan tâm thực hiện, tuy nhiên sau nhiều năm triển khai vẫn còn khó khăn, hạn chế, cụ thể:

          Thứ nhất về cũng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác pháp chế. Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định: căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập Phòng Pháp chế hoặc quyết định việc bố trí công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn được thành lập theo đặc thù riêng của từng địa phương. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị nào được thành lập Phòng pháp chế, còn việc bố trí cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách cũng chưa đầy đủ theo quy định. Qua số liệu thống kê, chỉ có 4 sở có cán bộ làm công tác chế chuyên trách gồm Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Sở Y tế và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, còn lại các đơn vị khác bố trí cán bộ văn phòng hoặc thanh tra làm nhiệm vụ pháp chế theo chế độ kiêm nhiệm (có Sở Giáo dục và Đào tạo đã từng bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế, tuy nhiên, hiện nay lại thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm). Bên cạnh đó năng lực của đội ngũ làm công tác pháp chế chưa đồng đều. Theo quy định thì công chức, viên chức làm công tác pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên nhưng thực tế thì cán bộ làm công tác pháp chế tại các sở chủ yếu là cán bộ làm công tác chuyên môn mà chưa được đào tạo chuyên môn với trình độ là cử nhân luật. Do đó cũng đã ảnh hướng đến quá trình triển khai nhiệm vụ.

          Thứ hai chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao còn hạn chế

          Theo quy định trên thì tổ chức pháp chế tại các sở nhiều nhiệm vụ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ cán bộ làm công tác pháp chế vẫn còn rất lúng túng. Công tác xây dựng văn bản chưa nắm được đầy đủ, chính xác quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là quy định về lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, Luật, văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên; Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu tác động của văn bản chưa đảm bảo thời gian lấy ý kiến cũng như việc đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh theo quy định. Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật chưa chủ động và thường xuyên ngay sau khi có căn cứ ban hành dẫn đến tình trạng có văn bản không còn phù hợp với văn bản của cấp trên nhưng việc tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chưa kịp thời. Công tác theo dõi thi hành pháp luật còn nhiều bất cập, hạn chế; công tác phổ biến giáo dục pháp luật còn hình thức, chưa có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động này…

          Thứ ba về chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác pháp chế. Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế. Tuy nhiên, hiện nay chế độ này vẫn chưa được hướng dẫn thực hiện. Đồng thời theo quy định của Thông tư liên tịch  122/2011/TTLT quy định “Đối với các tổ chức pháp chế không phải là đơn vị dự toán, hàng năm, tổ chức pháp chế phải căn cứ vào các nội dung kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát hệ thống hóa văn bản quy định tại Thông tư liên tịch này và kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa được duyệt, lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản gửi bộ phận tài chính của cơ quan mình để tổng hợp chung vào dự toán kinh phí của cơ quan theo quy định”, nhưng từ trước đến nay cũng chưa có đơn vị nào bố trí kinh phí riêng cho việc thực hiện nhiệm vụ này, do đó chưa động viên, khuyến khích đội ngũ này trong việc tham mưu triển khai nhiệm vụ.

          Những hạn chế nêu trên thì có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó cần kể đến một số nguyên nhân như: Sự quan tâm chỉ đạo của thủ trưởng các đơn vị còn mang tính hình thức, chưa sâu sát, chưa nắm rõ vai trò quan trọng của công tác pháp chế. Nghị quyết 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về "Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức" có quy định về tinh giản biên chế, thu hẹp đầu mối các cơ quan, đơn vị và Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng không quy định phòng pháp chế thuộc cơ cấu “cứng” của cơ quan chuyên môn nên đã gây ra lúng túng cho UBND tỉnh trong việc thành lập phòng pháp chế cũng như cơ quan chuyên môn trong việc bố trí cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách theo quy định. Ngoài ra, việc đánh giá hiệu quả, chất lượng của công tác pháp chế còn định tính, chưa có tiêu chí định lượng để đánh giá chất lượng công tác pháp chế.

          Để công tác pháp chế đạt kết quả cao thì trong thời gian tới cần tiếp tục chỉ đạo, quán triệt các quy định hiện hành về vị trí, chức năng của công tác pháp chế; phát huy vai trò của Sở Tư pháp và tăng cường cơ chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động liên quan đến pháp luật./.

Hải Giang

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN