Kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng

 

Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một giải pháp quan trọng trong tổng thể các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Vấn đề kiểm soát thu nhập đã được đề cập đến từ Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 với quy định về nghĩa vụ kê khai tài sản; Luật Phòng chống tham nhũngnăm 2005 phát triển chế định kê khai tài sản thành chế định minh bạch tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành cho thấy, các quy định này chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập; còn vướng mắc về trình tự, thủ tục công khai bản kê khai; chưa quy định rõ việc sử dụng bản kê khai tài sản vào mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng...

 

Đến Luật Phòng chống tham nhũngnăm 2018 thì vấn đề này được phát triển thêm mộtbước thành chế định kiểm soát tài sản, thu nhập. Nội dung này được quy định tại Mục 6 Chương II của Luật với nhiều điểm mới nổi bật so với quy định trước đây.

 

 Điều 30 Luật Phòng chống tham nhũngnăm 2018 đã quy định cụ thể về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Theo đó Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập thuộc thẩm quyền quản lý. Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ). Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý. Các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.

 

Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai, so với Luật Phòng chống tham nhũngnăm 2005, Luật Phòng chống tham nhũngnăm 2018 đã quy định mở rộng đối tượng. Cụ thể, theo Luật Phòng chống tham nhũngnăm 2018, các đối tượng có nghĩa vụ kê khai bao gồm: (1)Cán bộ, công chức; (2)Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; (3)Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (4)Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

 

Luật Phòng chống tham nhũngnăm 2018 đã quy định các phương thức kê khai áp dụng cho từng đối tượng kê khai khác nhau, gồm kê khai lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai hằng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ.  Kê khai lần đầu được quy định đối với các nhóm đối tượng (1), (2), (3) nhằm hình thành đồng bộ cơ sở dữ liệu, thông tin về tài sản, thu nhập của họ kể từ thời điểm Luật có hiệu lực để phục vụ cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Kê khai hằng năm được thực hiện đối với người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên và người không thuộc thuộc trường hợp này nhưng làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ. Kê khai phục vụ công tác cán bộ được thực hiện đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và những người khác thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác.

 

Về xác minh tài sản, thu nhập, so với Luật Phòng chống tham nhũng2005, Luật Phòng chống tham nhũngnăm 2018 đã bổ sung một số căn cứ xác minh như khi có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên. Việc quy định xác minh theo kế hoạch là nhằm tăng cường ý thức tuân thủ trong kê khai và minh bạch tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Luật Phòng chống tham nhũngnăm 2018 cũng quy định cụ thể việc xử lý nghiêm khắc nếu người có nghĩa vụ kê khai kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực bằng các hình thức phù hợp. Cụ thể đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến. Những trường hợp còn lại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

 

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập là cần thiết, nhằm đảm bảo cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập hiệu quả. Vì vậy, Luật Phòng chống tham nhũngnăm 2018 đã bổ sung quy định xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Theo đó, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác có trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi quản lý của mình.

 

Có thể thấy với Luật Phòng chống tham nhũngnăm 2018, việc kiểm soát tài sản, thu nhập đã được quy định đầy đủ và chặt chẽ hơn so với trước đây. Để các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng nói chung và quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập nói riêng được thực hiện có hiệu quả, cần tiếp tục tăng cường quán triệt, tuyên truyền các quy định của Luật, từ đó nâng cao nhận thức, phát huy tính tự giác, trung thực, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong kê khai tài sản, thu nhập cá nhân. Đồng thời cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định việc kê khai tài sản, thu nhập. Tin tưởng rằng với một cơ chế kiểm soát thu nhập được thiết kế tốt sẽ góp phần tăng cường tính minh bạch, phát hiện và xử lý kịp thời trường hợp có thu nhập từ nguồn gốc bất hợp pháp, qua đó góp phần phòng ngừa, phát hiện và đẩy lùi tham nhũng.

 

Thiều Chiên

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN