Một số Quy định mới về kinh phí xây dựng văn bản Quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Thông tư này quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật của các cơ quan, đơn vị, bao gồm tất cả các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (trừ Hiến pháp).

Trên cơ sở căn cứ tính chất, mức độ phức tạp của mỗi hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Thông tư quy định cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện chi theo những nội dung thuộc phạm vi các hoạt động: tổng kết việc thi hành pháp luật hiện hành; tập hợp, rà soát đánh giá văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội phục vụ lập đề nghị xây dựng văn bản, lập đề nghị chương trình xây dựng văn bản; dịch, hiệu đính tài liệu, văn bản tiếng nước ngoài; soạn thảo văn bản; Đánh giá tác động của chính sách, đánh giá tác động của văn bản; thẩm định; lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia; xây dựng báo cáo thẩm định, thẩm tra, văn bản góp ý và chỉnh lý, hoàn thiện các loại đề cương, báo cáo, dự thảo văn bản…

Đối với việc xây dựng và hoàn thiện Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND cấp tỉnh có mức chi cụ thể cho một số hoạt động như sau:

- Chi soạn thảo đề cương chi tiết dự thảo văn bản: 950.000đ/đề cương đối với văn bản mới hoặc thay thế; 650.000đ/đề cương đối với văn bản sửa đổi, bổ sung.

- Chi soạn thảo văn bản: 3.200.000đ/dự thảo đối với văn bản mới hoặc thay thế; 2.700.000đ/dự thảo đối với văn bản sửa đổi, bổ sung.

- Chi soạn thảo các báo cáo phục vụ công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện văn bản:

+ Trường hợp văn bản mới hoặc thay thế: báo cáo tổng hợp ý kiến: 250.000đ/báo cáo; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý: 350.000đ/báo cáo; báo cáo nhận xét, tham luận theo đơn đặt hàng của đơn vị chủ trì soạn thảo: 350.000đ/báo cáo; báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật do Sở Tư pháp xây dựng: 3.400.000đ/báo cáo.

+ Trường hợp văn bản sửa đổi, bổ sung: báo cáo tổng hợp ý kiến: 150.000đ/báo cáo; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý: 250.000đ/báo cáo; báo cáo nhận xét, tham luận theo đơn đặt hàng của đơn vị chủ trì soạn thảo: 200.000đ/báo cáo.

- Chi góp ý: 250.000đ/văn bản.

- Báo cáo thẩm định, thẩm tra văn bản: 500.000đ/báo cáo.

Ngoài các mức chi trên còn có mức chi cho cá nhân tham gia họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị; thuê dịch và hiệu đính tài liệu; lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia độc lập. Riêng đối với một số khoản chi như công tác phí cho cán bộ đi công tác trong nước; chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị,…; chi điều tra, khảo sát,…; chi rà soát, hệ thống hóa văn bản,…sẽ thực hiện theo quy định về chế độ chi tiêu tài chính hiện hành đối với từng nội dung.

Trên cơ sở định mức phân bổ kinh phí và mức chi trên, Thông tư cũng quy định HĐND cấp tỉnh căn cứ vào khả năng ngân sách và tình hình thực tế để quy định mức phân bổ cụ thể đối với từng loại văn bản QPPL để thực hiện cho phù hợp.

Việc ban hành Thông tư này là cơ sở cho các đơn vị, địa phương chủ động bố trí kinh phí cho công tác xây dựng văn bản QPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo việc sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước được thực hiện đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật./.

Kim Lân

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN