Một số bất cập, vướng mắc trong quy định pháp luật lĩnh vực Nội vụ

        Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng cho thấy hệ thống văn bản pháp luật lĩnh vực Nội vụ vẫn còn một số bất cập, vướng mắc sau đây:

          - Liên quan đến việc thực hiện ủy quyền tại khoản 1 Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm tại khoản 7 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019), Luật chỉ quy định Chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể mà chưa quy định trường hợp ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cùng cấp. Điều này dẫn đến vướng mắc cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là trong các nội dung ủy quyền cho người đứng đầu Ban Quản lý dự án (Chủ đầu tư) thực hiện phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng.

          Bên cạnh đó, có sự không thống nhất trong quy định của Luật này, cụ thể như đã nêu ở trên tại khoản 1 Điều 14 Luật  Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm tại khoản 7 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019) quy định Chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp, nhưng tại khoản 7 Điều 22 quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh lại chỉ quy định được ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh mà không có Chủ tịch UBND cấp huyện.

        - Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới chỉ quy định thẩm quyền của cơ quan/cá nhân cấp trên bãi bỏ văn bản trái pháp luật của cơ quan/cá nhân cấp dưới mà chưa quy định cụ thể về quyền tự bãi bỏ văn bản trái pháp luật do mình ban hành. Đồng thời Luật cũng chưa quy định đầy đủ các hình thức xử lý văn bản trái pháp luật (mới có đình chỉ, bãi bỏ mà chưa có hình thức thu hồi, hủy bỏ) để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và các văn bản chuyên ngành. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều địa phương còn lúng túng và cứng nhắc trong quá trình thực hiện.

        - Đến nay các Bộ, ngành Trung ương chưa ban hành đầy đủ các Thông tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; các Thông tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nên việc rà soát, quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị chưa thực hiện được theo các Nghị định của Chính phủ: số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020  sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020  sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

        - Tại Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả quy định“không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các văn bản không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước”. Tuy nhiên, qua rà soát Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội vẫn còn một số văn bản không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước nhưng có quy định về tổ chức bộ máy, biên chế như Luật Tiếp công dân năm 2013 (Điều 16), Luật Đấu giá tài sản năm 2016 (Điều 22)…

        - Theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, Điều 31 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP thì việc nâng ngạch công chức ngoài hình thức thi tuyển còn có hình thức xét tuyển. Tuy nhiên, tại Thông tư số 06/2020/TT-BNV chỉ ban hành Quy chế tổ chức và Nội quy đối với hình thức thi nâng ngạch công chức mà chưa có hình thức xét tuyển. Do đó, đề nghị bổ sung hình thức này để đảm bảo thống nhất trong hệ thống văn bản.

        Trước thực trạng đó, để góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Nội vụ trong thời gian tới, tác giả xin đề xuất một số vấn đề sau:

        - Đề nghị Bộ Nội vụ sớm sửa đổi, bổ sung và tham mưu, phối hợp tham mưu cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các nội dung nêu trên để kịp thời giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật.

        - Tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Hiến pháp năm 2013, nhất là các nhiệm vụ đã được xác định cụ thể tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

        - Tăng cường theo dõi, hướng dẫn áp dụng pháp luật; sớm phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc trong thực tiễn thi hành./.

Kim Khánh

 TIN TỨC LIÊN QUAN