Một số bất cập khi sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi

        Hiện nay, việc sử dụng các biểu mẫu trong công tác nuôi con nuôi được thực hiện theo Thông tư số 12/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011 của Bộ Tư pháp ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu, sổ về nuôi con nuôi và Thông tư số 24/2014/TT-BTP ngày 29/12/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2011/TT-BTP. Sau khi các Thông tư trên được ban hành, Sở Tư pháp, các phòng Tư pháp đã tham mưu UBND cùng cấp ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện, đảm bảo việc sử dụng các biểu mẫu về nuôi con nuôi được thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các địa phương đã chỉ đạo, triển khai, quán triệt Thông tư số 12/2011/TT-BTP và Thông tư số 24/2014/TT-BTP trên địa bàn mình bằng các hình thức phù hợp. Việc cấp phát Sổ và các biểu mẫu cũng như hướng dẫn in sao các biểu mẫu cũng đã được Sở Tư pháp, phòng Tư pháp thực hiện kịp thời, hiệu quả. Hàng năm, Sở Tư pháp và các phòng Tư pháp đều tiến hành kiểm tra công tác nuôi con nuôi ở các xã, phường, thị trấn, qua đó kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những trường hợp sai sót khi đăng ký nuôi con nuôi hoặc sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi. Vì vậy, việc ghi chép Sổ đăng ký nuôi con nuôi và các biểu mẫu cũng như lưu trữ, bảo quản Sổ đăng ký nuôi con nuôi và hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi được thực hiện cơ bản đúng quy định, theo hướng dẫn của các Thông tư.

        Tuy nhiên, các quy định về biểu mẫu nuôi con nuôi vẫn còn một số điểm chưa hợp lý, bất cập khi thực hiện trên thực tế:

        Thứ nhất, Về Sổ đăng ký nuôi con nuôi và mẫu Giấy chứng nhận nuôi con nuôi

        Theo quy định tại khoản 2, Điều 8, Thông tư số 12/2011/TT-BTP thì “Việc đăng ký nuôi con nuôi tại Uỷ ban nhân dân cấp xã phải được đăng ký vào 02 quyển sổ (đăng ký kép), 01 quyển lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đăng ký nuôi con nuôi, 01 quyển chuyển lưu tại Ủy ban nhân dân cấp huyện”. Điều này chưa đồng bộ với quy định tại Điều 12 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch “Sau khi khóa Sổ hộ tịch, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày khóa Sổ hộ tịch, cơ quan đăng ký hộ tịch chứng thực 01 bản sao Sổ hộ tịch để chuyển lưu tại cơ quan quản lý hộ tịch cấp trên trực tiếp”. Sổ đăng ký nuôi con nuôi mặc dù bố cục đơn giản, dễ hiểu nhưng cách trình bày không đẹp, phần Ghi chú không có dòng kẻ để viết, phần ghi Giấy tờ tùy thân diện tích nhỏ, dẫn đến việc không ghi được đủ thông tin.

        Mặt khác, hiện nay, việc nuôi con nuôi đã được quản lý trên phần mềm Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, bao gồm các nghiệp vụ: Cấp Giấy chứng nhận (Bản chính), cấp Giấy chứng nhận (Bản sao - Mẫu TP/CN-2011/CN.01.a), cấp bản sao trích lục hộ tịch, trong đó nội dung của Giấy chứng nhận (Bản sao) và bản sao trích lục hộ tịch giống nhau, điều này là không cần thiết. Đồng thời, mặc dù phần mềm hộ tịch dùng chung đã được sử dụng song việc thực hiện đăng ký nuôi con nuôi vẫn ghi chép thủ công trên giấy chứng nhận nuôi con nuôi mà không ứng dụng được việc xuất biểu và in ấn.

        Thứ hai, Về các biểu mẫu

       Trong Tờ khai theo Mẫu TP/CN-2011/CN.06 (Tờ khai hoàn cảnh của gia đình nhận nuôi con nuôi) ban hành kèm theo Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 12/2011/TT-BTP, được sửa đổi bổ sung theo Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 24/2014/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, phần ghi về hoàn cảnh gia đình nhưng lại hướng dẫn ghi thái độ của những người trong gia đình về việc nhận con nuôi. Trong tờ khai cũng có nội dung về “xác minh của Công chức Tư pháp - Hộ tịch”, trong đó đề nghị ghi rõ các nội dung: ý kiến của cán bộ xác minh về các nội dung mà người nhận con nuôi tự khai và đánh giá người nhận con nuôi đủ hay không đủ điều kiện để nhận con nuôi (điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi).Tuy nhiên, việc xác định đủ hay không đủ điều kiện để ghi vào phần xác minh là không dễ dàng, gây khó khăn cho cán bộ xác minh do không có căn cứ xác định chuẩn chung thế nào là có điều kiện về kinh tế, việc xác định chỗ ở như thế nào để bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con nuôi cũng rất khó khăn, do đó, mỗi địa phương áp dụng một kiểu nên không thống nhất trong thực hiện.

        Đối với Mẫu TP/CN-2014/CN.07 (Biên bản lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ về cho trẻ em làm con nuôi trong nước): Theo quy định của Luật Nuôi con nuôi thì việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha, mẹ đẻ hoặc của người giám hộ của trẻ em được nhận làm con nuôi. Nhưng thực tế lại phát sinh nhiều trường hợp vì lý do riêng tư nên việc cho nhận con nuôi rất tùy tiện, như sau khi sinh con, mẹ đẻ cho con làm con nuôi dưới hình thức trao tay, giấy viết tay, giấy chứng sinh… mà không để lại địa chỉ, thậm chí để lại địa chỉ nhưng lại là địa chỉ giả. Khi tiến hành thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, UBND cấp xã không thể liên hệ được với cha, mẹ đẻ để lấy ý kiến đồng ý theo quy định của pháp luật. Dẫn đến trên thực tế có những trường hợp trẻ em được người khác đưa về nuôi nhưng không đăng ký được khai sinh và cũng không đăng ký được việc nuôi con nuôi.

        Trên cơ sở những tồn tại, vướng mắc xảy ra trong quá trình thực hiện Thông tư số 12/2011/TT-BTP và Thông tư số 24/2014/TT-BTP, thiết nghĩ rằng, Bộ Tư pháp cần xem xét lại những vấn đề này trong quá trình soạn thảo dự thảo thay thế các Thông tư, đảm bảo được sự đồng bộ với các văn bản khác nhưng cũng đơn giản hóa các thủ tục, biểu mẫu nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho người thực hiện./.

 Kim Lân

 TIN TỨC LIÊN QUAN