Một số chính sách về công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030

        Pháp lệnh Dân số đã quy định về nguyên tắc thực hiện công tác này là: “ Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân số phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình và toàn xã hội; bảo đảm việc chủ động, tự nguyện, bình đẳng của mỗi cá nhân, gia đình trong kiểm soát sinh sản, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, lựa chọn nơi cư trú và thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số; kết hợp giữa quyền và lợi ích của cá nhân, gia đình với lợi ích của cộng đồng và toàn xã hội; thực hiện quy mô gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững”. Để thực hiện tốt công tác dân số và phát triển trong tình hình mới, ngày 10/7/2020 Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 221/2020/NQ-HĐND  Quy định một số chính sách về công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 10/7/2020, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021), trong đó có một số nội dung như sau:

        Về đối tượng áp dụng bao gồm: Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang thuộc tỉnh Hà Tĩnh và công dân Việt Nam cư trú thực tế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

        Về mục tiêu tổng quát: Nghị quyết nêu rõ: Giảm mức sinh, phấn đấu đạt mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng lợi thế của nhóm dân số  trong độ tuổi lao động; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội của tỉnh.

        Về mục tiêu cụ thể đến năm 2030 bao gồm: Tổng tỷ lệ suất sinh đạt khoảng 2,51 con/phụ nữ, quy mô dân số 1,376 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi, đồng bằng; 95% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số theo chính sách hiện hành. Đối với dân tộc Chứt, hỗ trợ cải thiện tình trạng dân số cả về số lượng và chất lượng, phấn đấu không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tỷ lệ giới tính khi sinh đạt dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 12%, tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 51%; tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiều 68 năm; chiều cao trung bình người Hà Tĩnh 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm. Chỉ số phát triển con người (HDI) tương đương mức bình quân chung của cả nước; Tỷ lệ dân số đô thị đạt 35%. Bố trí sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản; 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên toàn tỉnh và quy mô toàn quốc; 100% các ngành, các lĩnh vực sử dụng dữ liệu chuyên ngành dân số vào xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội; ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; phấn đấu 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

        Về một số chính sách khuyến khích tập thể, cá nhân trong thực hiện công tác dân số như sau:

        Đối với chính sách khuyến khích với các xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố từ ngân sách tỉnh: xã, phường, thị trấn có tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trong 01 năm dưới 5% được thưởng 05 triệu đồng; giai đoạn 2021-2025: xã, phường, thị trấn thực hiện giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên so với năm trước từ 5% trở lên được thưởng 02 triệu đồng; giai đoạn 2026-2020: xã, phường, thị trấn thực hiện giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên so với năm trước từ 3% trở lên được thưởng 02 triệu đồng; thôn, tổ dân phố trong 02 năm liên tục không có người sinh con thứ ba trở lên được thưởng 02 triệu đồng.

        Đối với chính sách khuyến khích cộng tác viên dân số từ ngân sách tỉnh: cộng tác viên dân số vận động được 01 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đặt dụng cụ tử cung được hỗ trợ 100 nghìn đồng/ca; cộng tác viên dân số vận động được 01 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tự nguyện thực hiện triệt sản thì được hỗ trợ 200 nghìn đồng/ca.

        Đối với chính sách khuyến khích, vận động người dân sinh ít con: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai đặt dụng cụ tử cung tại các cơ sở y tế nhà nước được miễn phí khám phụ khoa, thử thai, cấp dụng cụ tránh thai và một cơ số thuốc theo quy định. Người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai khác thì được hưởng các dịch vụ, các phương tiện tránh thai theo quy định hiện hành thông qua cộng tác viên dân số, viên chức dân số, Ban dân số và phát triển cấp xã; cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tự nguyện thực hiện triệt sản được phẩu thuật miễn phí; được ngân sách tỉnh hỗ trợ 01 triệu đồng để bồi dưỡng sức khỏe.

        Đối với chính sách khuyến khích thực hiện tầm soát, chẩn đoán một số bệnh, dị tật bẩm sinh trong sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh: Phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, dân tộc thiểu số rất ít người (theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư); phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh cư trú tại vùng khó khăn, miền núi, biên giới, ven biển thực hiện sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh được miễn phí tại các cơ sở y tế nhà nước trên địa bàn tỉnh; trẻ sơ sinh không thuộc các địa bàn, đối tượng trên, gia đình tự nguyện thực hiện sàng lọc sơ sinh được hỗ trợ 100 nghìn đồng/ca; cộng tác viên dân số, cán bộ y tế vận động thực hiện tầm soát, chẩn đoán một số bệnh, dị tật bẩm sinh trong sàng lọc sơ sinh được hỗ trợ 50 nghìn đồng/ca.

        Việc Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết này rất cần thiết nhằm góp phần thực hiện tốt công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Để thực hiện có chất lượng về công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 thì cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Hiện nay và thời gian tới các cấp, các ngành và các đơn vị có liên quan cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền (thông qua các cuộc họp; hội nghị; xây dựng tài liệu; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; trên các phương tiện thông tin đại chúng…). Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào các vấn đề như: Quy mô dân số; cơ cấu dân số; phân bố dân số hợp lý; giải pháp nâng cao chất lượng dân số; đổi mới về công tác truyền thông, vận động về dân số; các chính sách của Nhà nước và của tỉnh và các quy định của pháp luật có liên quan . Thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL về công tác này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số, qua đó góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội của tỉnh nhà ./.

Hoa Phượng

 TIN TỨC LIÊN QUAN