Một số điểm mới của Luật Giáo dục 2019 Về trình độ đào tạo của nhà giáo và học phí đối với học sinh, sinh viên

Ngày 14/6/2019, Luật Giáo dục  2019 được Quốc hội thông qua, baogồm 9 chương, 115 điều, quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020và thay thế Luật Giáo dục năm 2005,Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009.So với quy địnhcủaluật hiện hành, Luật Giáo dục 2019 có một sốquy định mới về trình độ đào tạo của nhà giáo và học phí đối với học sinh, sinh viê như sau:

 

Thứ nhất, nâng cao trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo.

 

Luật Giáo dụcnăm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc biệt là trình độ giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học khá thấp so với khu vực và thế giới. Theo các khuyến cáo của UNESCO và các tổ chức giáo dục quốc tế, lứa tuổi mầm non, tiểu học là giai đoạn rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ em. Do đó, vấn đề nâng chuẩn giáo viên là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội cũng như đảm bảo mặt bằng chung tương đương với khu vực và thế giới. Theo đó, so với quy định tại Điều 77 Luật Giáo dục hiện hành, Điều 72 Luật Giáo dục 2019 nâng trình độ chuẩn nhà giáo như sau:

 

Đối với giáo viên mầm non, từ “bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm” lên “bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên”.

 

Đối với giáo viên tiểu học, từ “bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm” lên “bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên”.

 

Đối với giáo viên trung học cơ sở, từ “bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm” lên “có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên”.

 

Đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học, từ  “bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm” lên “bằng thạc sĩ”.

 

Đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, từ “bằng thạc sĩ trở lên” thành “bằng tiến sĩ”.

 

Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục; là một sự đổi mới mạnh mẽ, cần thiết nhằm định hướng và tạo hành lang pháp lý cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà.

 

Thứ hai, hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạmvà trách nhiệm bồi hoàn.

 

Hiện nay, theo Khoản 3 Điều 89 Luật Luật Giáo dục 2005 thì học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy, việc miễn học phí không thực sự khuyến khích sinh viên vào học ngành sư phạm, không trở thành động lực hấp dẫn thu hút người giỏi. Điều kiện, môi trường làm việc, chế độ lương, ưu đãi trong quá trình công tác và lòng yêu nghề, nhiệt huyết đam mê mới thu hút và giữ chân nhà giáo. Đồng thời, quy định này cũng đã làm cho các cơ sở đào tạo giáo viên gặp khó khăn về kinh phí chi thường xuyên, trong khi việc cấp bù của ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp.

 

Chính vì vậy, nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách này, Khoản 4 Điều 85 Luật Giáo dục 2019 quy định: học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.

 

Thứ ba, về việc miễn học phí.

 

Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Hiện nay, chỉ học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí.

 

Điều 99 Luật Giáo dục 2019 quy định:  Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.Trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí. Trẻ em mầm non 05 tuổi không thuộc đối tượng trên và học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định./.

 

 

Hạnh Ngân - Chi Đoàn Thanh niên

 TIN TỨC LIÊN QUAN