Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

 

Ngày 25/11/2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sau đây gọi tắt là Luật) được Quốc hội thông qua.So với Luật Cán bộ, công chức 2008 và Luật Viên chức 2010, Luật này đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới, trong đó có một số quy định đáng chú ý như sau:

 

Thứ nhất, bổ sung quy định xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Theo đó, Điều 84 Luật Cán bộ, công chức 2008 được bổ sung Khoản 5 như sau:

 

- Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

- Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

 

Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 01/7/2020 được thực hiện theo quy định của Luật này.

 

Thứ hai, nâng thời hiệu và thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ công chức.

 

Hiện nay, Điều 80 Luật Cán bộ, công chức quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy, thời gian 24 tháng là quá ít khi hành vi vi phạm nhiều khi rất khó phát. Do đó, để phù hợp với thực tế, Luật đã sửa đổi thời hiệu theo hình thức kỷ luật, cụ thể là 02 năm nếu bị kỷ luật khiển trách và 05 năm với các hành vi không thuộc trường hợp bị khiển trách. Ngoài ra, Luật còn bổ sung 04 hành vi không áp dụng thời hiệu xử lý, bao gồm: Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

 

Đồng thời, Luật này cũng kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật, từ không quá 02 tháng lên không quá 90 ngày và từ không quá 04 tháng lên không quá 150 ngày trong trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần phải thanh tra, kiểm tra.

 

Thứ ba, cán bộ, công chức thamnhũng đương nhiên bị buộc thôi việc.

 

Để thống nhất về việc xử lý người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Luật đã bổ sung quy định trường hợp cán bộ bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

 

Như vậy, có thể thấy, việc bổ sung quy định này là hoàn toàn hợp lý. Nó không chỉ thống nhất các quy định của pháp luật mà còn giúp công tác phòng, chống tham nhũng được nghiêm minh hơn.

 

Thứ tư, mở rộng phương thức tuyển dụng công chức.

 

Hiện nay, Điều 37 Luật Cán bộ, công chức quy định việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển, trừ 01 trường hợp duy nhất được xét tuyển là người có phẩm chất, trình độ và năng lực, cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Luật sửa đổi đã bổ sung thêm hình thức xét tuyển với các trường hợp: Người học theo chế độ cử tuyển; Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

 

Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức còn có thể tiếp nhận các trường hợp: Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập; Cán bộ, công chức cấp xã; Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức; Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với một số chức danh trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; Người đã từng là cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển.

 

Thứ năm, bỏ hình thức hợp đồng làm việc không xác định thời hạn đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01/7/2020.Theo đó, Điều 25 Luật Viên chức được sửa đổi như sau: Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01/7/2020 (mức thời hạn tối đa trong hợp đồng được kéo dài từ 36 tháng lên 60 tháng). Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ còn áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020, Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức và người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

 

Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020.

 

Hạnh Ngân

 TIN TỨC LIÊN QUAN