Một số điểm mới của Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư

So với Nghị định số 15/2015/NĐ-CP thì Nghị định 63/2018/NĐ-CP có một số điểm mới cơ bản sau đây:

Thứ nhất, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP quy định rõ hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án PPP (bao gồm cả trường hợp dự án có sử dụng hoặc không sử dụng vốn đầu tư công) trên cơ sở đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công. Trong đó, quy định rõ hơn trình tự, thủ tục triển khai dự án PPP sử dụng công nghệ cao với mục đích tạo sự linh hoạt trong quá trình triển khai và giảm thời gian, chi phí trong giai đoạn lập dự án.

Thứ hai, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP mở rộng nguồn vốn được sử dụng làm phần Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP.Đối với vốn góp của Nhà nước để hỗ trợ công trình xây dựng, ngoài nguồn vốn đầu tư công(vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) thì Nhà nước có thể sử dụng nhiều nguồn lực khác để tham gia, hỗ trợ nhà đầu tư trong dự án PPP như:Giá trị quyền sử dụng đất, tài sản kết cấu hạ tầng, quyền kinh doanh khai thác công trình, dịch vụ...,đảm bảo theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.Vốn góp của Nhà nước được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công không áp dụng đối với dự án BT.

Vốn thanh toán cho nhà đầu tư đối với các dự án theo hợp đồng BTL, BLT cũng quy định mở hơn, cụ thể là được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên nhằm duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ công, nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh linh hoạt trong việc sử dụng.

Thứ ba, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP quy định tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư. Về nguồn vốn thực hiện dự án, đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư(theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP là 15%).

Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20%, đối với phần vốn trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 10%. Phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu. 

Đối với hợp đồng BT, nhà đầu tư phải đáp ứng thêm yêu cầu về vốn chủ sở hữu nếu có theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan để thực hiện dự án khác.

Thứ tư, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP quy định nhiều thủ tục được đơn giản hóa, rút ngắn giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Nghị định đã bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; đồng thời bổ sung quy định công khai thông tin hợp đồng dự án để đảm bảo minh bạch và tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước có công cụ quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu về các dự án PPP.

Trên đây là một số điểm mới quan trọng của Nghị định 63/2018/NĐ-CP, xin trân trọng gửi tới quý độc giả tìm hiểu, tham khảo./.

Kim Khánh (Chi đoàn thanh niên)

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN