Một số điểm mới của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Sau hơn ba năm thực hiện Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã góp phần giúp cơ quan Nhà nước thực hiện tốt công tác quản lý về lĩnh vực này. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP có những bất cập hạn chế như: Một số mức phạt quá cao dẫn đến khó khả thi; một số mức phạt quá thấp chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm; một số hành vi vi phạm xảy ra trong thực tiễn nhưng chưa được điều chỉnh bởi văn bản pháp luật; một số hành vi vi phạm quy định chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến việc hiểu và áp dụng không thống nhất. Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 18/11/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2017.

Về cơ bản, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP kế thừa những nội dung của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP, đồng thời bổ sung một số điểm mới đáng chú ý như:

Một là, về đối tượng áp dụng, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP bổ sung thêm đối tượng là hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể. Khi đối tượng nàyvi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.Việc bổ sung đối tượng hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thểđã hạn chế việc bỏ sót đối tượng vi phạm, đặc biệt hành vi vi phạm xảy ra ở khu dân cư.

Hai là, bổ sung hành vi vi phạm mới như: Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh doanh và dịch vụ tập trung, làng nghề và khu nuôi trồng thủy sản; Các hành vi vi phạm các quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường.

Bổ sung “hình thức xử phạt bổ sung” tước quyền sử dụng có thời hạn đối với Giấy phép xả thải khí thải công nghiệp.

Ba là, bổ sung hình thức xử phạt cảnh cáo đối với một số hành vi vi phạm như: Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường ; Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường; Vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường; Vi phạm các quy định về tiếng ồn; Vi phạm các quy định về độ rung; Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư. Hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng khi mức độ vi phạm chưa gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, đồng thời nhằm răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường có thể xảy ra.

Bốn là, nhằm hạn chế các hành vi vi phạm có ảnh hưởng đến trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đồng thời xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, Nghị định đã tăng mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm như: Vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường…

Năm là, trong quá trình thi hành Nghị định số 179/2013/NĐ-CP, một số hành vi có mức xử phạt quá cao dẫn đến thiếu tính khả thi, do đó Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đã giảm mức phạt đối với một số hành vi vi phạm như: Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, sản xuất chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải…

Sáu là, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung về hành vi vi phạm, mức xử phạt thì Nghị định số 155/2016/NĐ-CP hướng tới việc tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường, cụ thể như: Bổ sung thẩm quyền xử phạt của một số chức danh Thanh tra nông nghiệp và phát triển nông thôn; Thanh tra chuyên ngành thủy sản. Mặt khác, nhằm tăng cường hoạt động sau thanh tra, kiểm tra Nghị định bổ sung trách nhiệm đối với việc kiểm tra, thanh tra và xác nhận đã khắc phục xong hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ra đời đã kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động quản lý Nhà nước về lĩnh vực này./.

Cẩm Thạch

 TIN TỨC LIÊN QUAN