Một số điểm mới trong công tác chứng thực

        Ngày 03/3/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, thay thế cho Thông tư số 20/2015/TT-BTP, trong đó có một số nội dung được quy định mới hoặc hướng dẫn cụ thể hơn so với trước:

        Thứ nhất, về trách nhiệm chụp lại giấy tờ, văn bản đã chứng thực chữ ký để lưu trữ

        Theo quy định thì cơ quan tổ chức thực hiện chứng thực sau khi chứng thực chữ ký phải lưu 01 bản. Tuy nhiên, nếu như trước đây, văn bản lưu trữ do người yêu cầu chứng thực cung cấp (trong trường hợp cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực không có phương tiện để chụp) thì Thông tư mới quy định các cơ quan phải có trách nhiệm tự chụp lại giấy tờ, văn bản đã chứng thực để lưu. Điều đó có nghĩa là trong bất cứ trường hợp nào, cơ quan thực hiện chứng thực cũng không được yêu cầu người yêu cầu chứng thực cung cấp giấy tờ, văn bản để lưu như trước.

        Thứ hai, giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản đã được chứng thực không đúng quy định pháp luật

        Đây là một nội dung mới của Thông tư này. Theo đó, những giấy tờ, văn bản được chứng thực không đúng quy định thì không có giá trị pháp lý. Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản đã được Phòng Tư pháp chứng thực. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản do cơ quan mình chứng thực. Sau đó, những người có thẩm quyền này phải đăng tải thông tin về giấy tờ, văn bản bị hủy bỏ giá trị pháp lý lên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh.

        Thứ ba, về việc chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền

        Thông tư quy định cụ thể hơn về các trường hợp được chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền, gồm 04 trường hợp sau: (1) Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ (trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền); (2) Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp; (3) Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa; (4) Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội. Ngoài những trường hợp này, người yêu cầu chứng thực phải thực hiện thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch.

        Thứ tư, chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân

        Xuất phát từ thực tế của một số địa phương, khi chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân đã ghi thêm một số nhận xét về việc chấp hành chủ trương, pháp luật, chính sách, quy định… của Đảng, Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân. Vì vậy, Thông tư đã bổ sung quy định về việc chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân. Theo đó, người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.

        Thứ năm, quy định rõ hơn về việc chứng thực hợp đồng, giao dịch

        Thông tư dành hẳn 1 chương (chương V) để quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch. Để phù hợp với thực tế các địa phương thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Thông tư quy định khi nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận này, các bên phải ký trước mặt người tiếp nhận hồ sơ và người đó phải chịu trách nhiệm về việc các bên đã ký trước mặt mình.

        Cơ quan thực hiện chứng thực có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến để người yêu cầu chứng thực nhận thức rõ trách nhiệm đối với nội dung của hợp đồng, giao dịch và hệ quả pháp lý của việc chứng thực hợp đồng, giao dịch.

        Thứ sáu, ban hành thêm mẫu lời chứng chứng thực hợp đồng

        Thông tư đã ban hành thêm mẫu lời chứng chứng thực hợp đồng, giao dịch, văn bản khai nhận di sản, từ chối nhận di sản của từ hai người trở lên cùng khai nhận di sản, từ chối nhận di sản. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho các cơ quan thực hiện chứng thực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ./.

Kim Lân

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN