Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh

        Tổ chức pháp chế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao và tổ chức thực hiện công tác pháp chế theo quy định.

        Hiện nay, công tác pháp chế ở Hà Tĩnh được thực hiện trên cơ sở các văn bản sau: Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Thông tư số 01/2015/TT-BTP ngày 15/01/2015 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức pháp chế; Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày 16/3/2015 của UBND tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp; Quyết định số 50/2018/QĐ-UBND ngày 11/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi khoản 2 Điều 3 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày 16/3/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản có liên quan khác. Thực hiện quy định nêu trên, công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Để công tác pháp chế đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, cần tập trung một số giải pháp như sau:  

        Về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP thì có 10 nhóm nhiệm vụ như sau: xây dựng pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật; bồi thường nhà nước; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tham mưu các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng; thi đua khen thưởng trong công tác pháp chế; thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan hoặc theo quy định của pháp luật. Nhiệm vụ thì nặng nề và quan trọng như vậy, nhưng đội ngũ làm công tác pháp chế chủ yếu là kiêm nhiệm và kinh nghiệm công tác chưa nhiều. Theo Báo cáo thống kê của Sở Tư pháp số liệu tính đến ngày 30/12/2019 thì: có 24 đồng chí trong đó có 23 đồng chí làm nhiệm vụ kiêm nhiệm; có 11/24 đồng chí có chuyên môn luật; có 11/24 đồng chí có kinh nghiệm trên 05 năm. Như vậy, đội ngũ này còn hạn chế về số lượng và chất lượng nên khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn cần quan tâm bố trí các đồng chí có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ để thuận lợi hơn trong việc tham mưu nhiệm vụ này.

        Về chế độ chính sách: Nghị định số 55/2011/NĐ-CP người làm công tác pháp chế bao gồm: Công chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh (khoản 1 Điều 11); cán bộ pháp chế được điều động, tuyển dụng vào tổ chức pháp chế ở các đơn vị quân đội, công an nhân dân (khoản 2 Điều 11); viên chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập (khoản 3 Điều 11); nhân viên pháp chế được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng lao động, vào tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước (khoản 4 Điều 11). Tại khoản 2 Điều 12 Nghị định này quy định: Công chức, cán bộ và viên chức pháp chế quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 11 được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chính sách này là một “điểm nghẽn” ở các tỉnh, các địa phương.

        Về việc phối hợp triển khai nhiệm vụ: Để thực hiện kịp thời và có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ trên cần có sự phối hợp nhịp nhàng, thường xuyên của tổ chức pháp chế, người làm công tác pháp chế với các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan. Qua tham mưu theo dõi nhiệm vụ này, chúng tôi thấy rằng thời gian qua mặc dù các đơn vị, các tổ chức đã có nhiều cố gắng tuy nhiên đôi lúc việc phối hợp chưa kịp thời và chưa chặt chẽ. Ví dụ: nhiệm vụ tham mưu về các vấn đề pháp lý một vụ việc cụ thể nào đó; công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật... để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, cần tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, cá nhân có liên quan

        Về cơ sở pháp lý: Các văn bản làm cơ sở pháp lý để ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đến thời điểm này cơ bản đã hết hiệu lực thi hành, cụ thể: Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 (trừ trường hợp quy định tại Điều 142 của Luật này)  ; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày 18 tháng 6 năm 2009. Do vậy, Chính phủ cần xem xét ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP để phù hợp với các Luật mới ban hành điều chỉnh về  công tác pháp chế.

        Mặt khác, cần tăng cường quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, đặc biệt là tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu; kiện toàn đội ngũ làm công tác pháp chế, trong đó thủ trưởng các đơn vị chuyên môn cần quan tâm bố trí cán bộ làm công tác chuyên trách và bố trí nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này.

        Nói tóm lại, cùng với xu hướng phát triển về kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, công tác pháp chế ngày càng có vai trò quan trọng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, chúng tôi mong rằng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần quan tâm một số vấn đề như: xem xét để ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; tăng cường tổ chức tập huấn cho đội ngũ làm công tác pháp chế; cần quan tâm ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, tổ chức có liên quan thực hiện nhiệm vụ này; quan tâm bố trí nguồn lực; theo định kỳ cần quan tâm hơn công tác kiểm tra, tổng kết để đánh giá những kết quả đạt được, đặc biệt là đánh giá khách quan những nhiệm vụ còn tồn tại, hạn chế, rút ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp, phương hướng nhiệm vụ để thực hiện tốt hơn công tác này.

Hoa Phượng (Sở Tư pháp Hà Tĩnh)

 TIN TỨC LIÊN QUAN