Một số hạn chế trong công tác xây dựng văn bản QPPL

 

Thời gian qua, với việc tích cực, chủ động triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, công tác xây dựng văn bản trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó hệ thống văn bản của tỉnh đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, góp phần điều chỉnh hầu hết các quan hệ xã hội phát sinh trên địa bàn, nhất là những vấn đề mang tính thời sự, cấp bách cần phải được giải quyết kịp thời, hiệu quả. Văn bản của tỉnh cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, đã hạn chế tình trạng ban hành văn bản chưa đảm bảo về thẩm quyền, nội dung và thể thức, kỹ thuật trình bày.

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác xây dựng văn bản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

 

- Một số văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa đảm bảo đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 

 Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh phải được thực hiện theo một quy trình rất chặt chẽ. Theo đó, cơ quan soạn thảo phải lập đề nghị xây dựng văn bản (riêng Nghị quyết của HDND tỉnh quy định về chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, Luật, văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên; Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn phải thực hiện quy trình lập đề nghị xây dựng Nghị quyết theo quy định tại các điều từ 112 đến 117 của Luật Ban hành văn bản QPPL); tổ chức soạn thảo dự thảo văn bản; lấy ý kiến dự thảo; thẩm định dự thảo; thẩm tra dự thảo; trình thông qua hoặc ban hành. Tuy nhiên, thực tế một số văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa đảm bảo đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật như chưa tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu tác động của văn bản, chưa đảm bảo thời gian lấy ý kiến cũng như việc đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh; chưa thực hiện lập đề nghị xây dựng nghị quyết, dẫn đến vẫn còn tình trạng ban hành văn bản mà chưa đánh giá được hết tác động của chính sách trên các lĩnh vực theo quy định.

 

- Tính dự báo của các chính sách trong Nghị quyết của HĐND tỉnh chưa cao, dẫn đến thời hạn áp dụng văn bản ngắn. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định trường hợp HĐND tỉnh ban hành chính sách phải thực hiện đánh giá tác động của chính sách theo các khía cạnh như: tác động về kinh tế, về xã hội, về giới; thủ tục hành chính (nếu có), tác động đối với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, thực tế thì nhiệm vụ này thời gian qua chưa thực hiệncho nên một số chính sách của tỉnh trong các lĩnh vực như nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa thế thao và du lịch, chưa dự báo được hết các tác động của chính sách này trên các lĩnh vực nên mới ban hành trong thời gian ngắn đã phải sửa đổi, thay thế ...

 

- Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định trình Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định danh mục nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh danh mục quyết định của Ủy ban nhân dân quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Mặc dù đã quan tâm thực hiện nhiệm vụ này, tuy nhiên việc rà soát xác định nội dung giao HĐND, UBND tỉnh quy định chi tiết vẫn chưa được thường xuyên, kịp thời dẫn đến việc ban hành văn bản giao quy định chi tiết chưa đầy đủ theo quy định. Trong việc lập danh mục quy định chi tiết, các sở, ban, ngành cấp tỉnh cũng chưa thực sự chủ động phối hợp với Sở Tư pháp để thực hiện rà soát nội dung giao quy định chi tiết liên quan đến lĩnh vực quản lý.  

 

- Trong quá trình xây dựng văn bản chưa tranh thủ được sự tham giacủa chuyên gia Bộ, ngành trong các lĩnh vực cũng như huy động sự tham gia của chuyên gia trong việc góp ý, thẩm định, phản biện các chính sách của tỉnh.

 

Những tồn tại hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó phải kể đến như: Nguồn nhân lực và các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác xây dựng thể chế chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; sự phát triển nhanh của nền kinh tế tỉnh nhà dẫn đến có nhiều vấn đề phát sinh trong xã hội mà văn bản của tỉnh chưa thể dự liệu được hết; Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về mục đích, yêu cầu công tác xây dựng văn bản vẫn chưa thực sự đầy đủ, nhất quán; Công tác chuẩn bị xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là tại các kỳ họp của HĐND tỉnh chưa thực sự chủ động do đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng thể chế chủ yếu là làm công tác chuyên môn và kiêm nhiệm chứ không phải là cán bộ công tác pháp chế chuyên trách, đồng thời cán bộ tham gia soạn thảo văn bản phần lớn chưa được đào tạo về nghiệp vụ xây dựng văn bản QPPL dẫn đến chưa đảm bảo được chất lượng, tiến độ thực hiện công tác xây dựng văn bản.

 

Thời gian tới, cần khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên để đảm bảo cho công tác xây dựng văn bản QPPL đạt được kết quả cao hơn nữa.

 

Hải Giang

 TIN TỨC LIÊN QUAN