Một số kết quả nổi bật công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng và thực hiện hương ước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2017

Công tác chỉ đạo, hướng dẫn được triển khai kịp thời

Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND và Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành Kế hoạch số 65/KH-HĐ để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các công tác này. Đồng thời, theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên và đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đối với từng lĩnh vực, Sở đã ban hành một số văn bản hướng dẫn cụ thể, trong đó: Công tác PBGDPL 08 văn bản; công tác hòa giải ở cơ sở 04 văn bản; công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước 01 văn bản; công tác chuẩn tiếp cận pháp luật 04 văn bản. Tính tổng chung các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã ban hành 264 văn bản; UBND, Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện ban hành 295 văn bản và UBND cấp xã ban hành 1.048 văn bản để triển khai thực hiện các công tác nêu trên.

          Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục gặt hái nhiều kết quả cao

Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức 5.002 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp với 451.878 lượt người tham dự; tổ chức 32 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 344.964 lượt người dự thi; cấp phát 222.294 tài liệu; thực hiện 26.885 lần phát sóng chương trình PBGDPL trên đài truyền thanh - truyền hình của tỉnh, cấp huyện và hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn; xây dựng và đăng tải 1.963 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng. So với 6 tháng cuối năm 2016, trong 6 tháng đầu năm 2017, các chỉ số kết quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh tăng cao, trong đó: số cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp tăng 2.697 cuộc và tăng 199.480 lượt người tham dự (6 tháng cuối năm 2016 đạt 2.305 cuộc và 252.398 lượt người tham dự); số tài liệu cấp phát tăng 109.982 tài liệu (6 tháng cuối năm 2016 đạt 112.312 tài liệu); số lần phát sóng chương trình PBGDPL trên đài truyền thanh - truyền hình của tỉnh, cấp huyện và hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn tăng 17.781 lần (6 tháng cuối năm 2016 đạt 9.104 lần); số tin, bài xây dựng và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tăng 485 tin, bài (6 tháng cuối năm 2016 đạt 1.478 tin, bài).

Các hoạt động trên đã phản ánh sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này có bước chuyển biến mạnh mẽ, đồng thời đó là đòi hỏi tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh ta trong giai đoạn hiện nay.

Năm 2017, là năm thứ 2 toàn tỉnh tập trung tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết số 153/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, phổ biến các Nghị quyết, công tác tuyên truyền, phổ biến cũng đã được các cơ quan, tổ chức, địa phương quan tâm tăng cường thực hiện trên các lĩnh vực như: đầu tư; công nghiệp thương mại; nông nghiệp, nông thôn; tài chính, ngân hàng; quốc phòng, an ninh; y tế; lao động; giáo dục và đào tạo; giao thông vận tải; cải cách hành chính; cải cách tư pháp; hội nhập quốc tế;… nhằm đảm bảo thực hiện kịp thời và phấn đấu hoàn thành tốt những mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra tại các Nghị quyết. Ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2017, Sở Công thương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và văn minh thương mại, hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thương mại; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chuyên đề “định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị”; Sở Tài chính và Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh tập trung tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện các chính sách, văn bản pháp luật lĩnh vực tài chính - ngân hàng; Sở Y tế thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền các chính sách, văn bản pháp luật về khám, chữa bệnh, phòng, chống tác hại của thuốc lá, dân số - kế hoạch hóa gia đình; Sở Lao động thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động; Cục Hải quan tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh có nhiều cách làm mới trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hải quan, bảo hiểm; Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đảm bảo triển khai đồng bộ công tác PBGDPL trong toàn đơn vị và tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân; Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh thực hiện có hiệu quả nhiệm cụ tuyên truyền về công tác cải cách Tư pháp; các cơ quan, tổ chức khác và các huyện, thành phố, thị xã trong phạm vi nhiệm vụ quản lý cũng đã đạt được nhiều kết quả cao trong công tác PBGDPL, đáp ứng yêu cầu về thực hiện các Nghị quyết.

Trong năm 2017, nhiều Bộ luật, Luật mới được thông qua, có hiệu lực thi hành. Trên cơ sở các kế hoạch, chương trình của UBND tỉnh, chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, về cơ bản, các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã đã triển khai đồng bộ công tác quán triệt, tuyên truyền các Bộ luật, Luật này. Trung bình mỗi cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã tổ chức 02 - 03 Hội nghị, cấp huyện đã tổ chức 05 - 07 Hội nghị để quán triệt, phổ biến. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, địa phương cũng đã thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến các Bộ luật, Luật thông qua các hoạt động khác như sinh hoạt Ngày Pháp luật hàng tháng, giao ban cơ quan, sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt các Câu lạc bộ,…. Làm tốt có thể kể đến các cơ quan, địa phương như Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh,Tỉnh đoàn, Thành phố Hà Tĩnh và các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn.

6 tháng đầu năm 2017, toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tăng cường công tác PBGDPL nhằm góp phần sớm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, khôi phục sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống Nhân dân sau sự cố môi trường biển xảy ra tại 4 tỉnh Miền Trung. Sở Tư pháp đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh trong năm 2017. Theo đó, bám sát định hướng nội dung tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan cấp trên có thẩm quyền khác, Sở đã hướng dẫn các ngành, các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung phù hợp. Đồng thời, đã đẩy mạnh các hoạt động như: Tổ chức in ấn và cấp phát miễn phí đến tận cơ sở 3.000 cuốn tài liệu PBGDPL “Một số quy định pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội”; tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động tại các địa bàn Thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, huyện Thạch Hà…; tiếp nhận kiến nghị, đề xuất và giải đáp, hỗ trợ các địa phương, các cơ quan và tổ chức có liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác tuyên truyền;… Trên địa bàn Thị xã Kỳ Anh và các huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, cấp ủy, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác PBGDPL, đặc biệt là đẩy mạnh các cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp, cấp phát tài liệu phổ biến trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, phân công cán bộ Tư pháp thường xuyên bám sát cơ sở.

Qua đánh giá, nắm bắt tình hình ATGT trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Sở Tư pháp đã tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành Văn bản số 111/TGV-HĐ ngày 13/3/2017 để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, địa phương tăng cường công tác PBGDPL trên lĩnh vực này. Ở cấp tỉnh, đã đạt được nhiều kết quả, nổi bật trong đó như: Công an tỉnh đã tổ chức 15 cuộc tuyên truyền miệng cho 21.100 lượt cán bộ, giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tăng cường phối hợp thực hiện PBGDPL về ATGT thông qua hoạt động xét xử, đặc biệt là tại các phiên tòa xét xử lưu động các vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; Tỉnh đoàn đã tổ chức 69 cuộc tuyên tuyền cho gần 10.000 lượt đoàn viên, thanh thiếu niên, cấp phát 16.500 tờ rơi, áp phích tuyên truyền và chỉ đạo 100% đoàn xã, phường, thị trấn và các cơ sở đoàn trực thuộc ký cam kết không vi phạm pháp luật về ATGT trong năm 2017;… Tính tổng chung 13 đơn vị cấp huyện, Phòng Tư pháp đã chủ trì tham mưu hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND cùng cấp ban hành hơn 40 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện; cấp phát 30.510 bản tài liệu; thực hiện phát sóng trên hệ thống truyền thanh - truyền hình cấp huyện và chỉ đạo, hướng dẫn phát sóng trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở trên 10.400 lần; xây dựng, đăng tải 372 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức 05 đợt thi tìm hiểu pháp luật. Đồng thời, tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động tập huấn pháp luật về ATGT; ký cam kết thực hiện ATGT trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và thanh thiếu niên; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT thông qua hoạt động của các Câu lạc bộ;…

Một trong những điểm đáng chú ý trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2017 đó là các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đã được chú trọng đẩy mạnh thực hiện thông qua Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử, Facebook và các phương tiện thông tin đại chúng khác (tiêu biểu như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Cục Hải quan,Tỉnh đoàn, huyện Đức Thọ…). Đồng thời, các ngành, các cấp cũng đã có nhiều quan tâm trong củng cố, kiện toàn đội ngũ tham mưu thực hiện công tác PBGDPL, đầu tư kinh phí và các điều kiện cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ công tác này.

          Công tác hòa giải ở cơ sở từng bước được nâng cao

Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tăng cường hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 19/5/2015 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Đã thực hiện tái bản và cấp phát 500 cuốn “Sổ tay hòa giải ở cơ sở” (do Sở Tư pháp biên soạn năm 2015) và chuyển tải qua hệ thống thư điện tử kịp thời đến các cơ quan, tổ chức, địa phương tài liệu bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về công tác hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp xây dựng (theo Quyết định số 1753/QĐ-BTP của ngày 22/8/2016 Bộ trưởng Bộ Tư pháp).

          Trong 6 tháng đầu năm 2017, các Tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận tổng cộng 1.274 vụ, việc, trong đó: hòa giải thành 883 vụ, việc; hòa giải không thành 251 vụ, việc.

          Nhiều địa phương đã triển khai kịp thời, hiệu quả Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên được ban hành tại Quyết định số 4077/QĐ-BTP ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp như: Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ,... Các địa phương như Thành phố Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân đã quan tâm bố trí kinh phí in ấn, cấp phát “Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở” theo hướng dẫn của Sở Tư pháp.

          Công tác chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai với nhiều sự cố gắng, nổ lực

Trong điều kiện Trung ương chưa hoàn thiện thể chế quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, để kịp thời tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh triển khai Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 07/02/2017, Sở Tư pháp đã ban hành Văn bản số 82/HD-STP ngày 16/3/2017 hướng dẫn tạm thời các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tiêu chí 18.5 về xây dựng “cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định”.

Kết quả cho thấy, các địa phương đã kịp thời triển khai thực hiện tiêu chí trên theo hướng dẫn của Sở Tư pháp. Theo đánh giá sơ bộ ban đầu tại cuộc họp tháng 5 của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh thì hiện có 07/24 xã đăng ký phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2017 chưa đạt tiêu chí 18.5 đó là: Thạch Hưng (Thành phố Hà Tĩnh); Đức Nhân, Đức Đồng (huyện Đức Thọ); Kỳ Lâm (huyện Kỳ Anh); An Lộc (huyện Lộc Hà); Xuân Liên, Xuân Đan (huyện Nghi Xuân). Sở Tư pháp đã kịp thời nắm bắt tình hình, đồng thời có Văn bản số 275/BC-STP ngày 22/6/2017 đề nghị các địa phương kịp thời chỉ đạo các xã này khắc phục những khó khăn, hạn chế để đảm bảo đạt tiêu chí 18.5 trong năm đánh giá.   

Đảm bảo tính ổn định trong công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước

Theo hướng dẫn của Sở Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm 2017, các huyện, thành phố, thị xã đã tập trung chỉ đạo cấp xã rà soát lại tổng thể các bản hương ước, quy ước của thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn đã được xây dựng, phê duyệt và đưa vào thực hiện trong các năm gần đây. Theo báo cáo của các địa phương thì hiện nay cấp xã đã hoàn thành xong việc rà soát và đang khẩn trương bổ sung, sửa đổi các bản hương ước, quy ước có nội dung không còn phù hợp để trình cấp huyện thẩm định và phê duyệt./.

Thành Trung

 TIN TỨC LIÊN QUAN