Một số lỗi thường gặp trong công tác Xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh

 

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp. Trong thời gian qua, các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã có nhiều tiến bộ trong việc tham mưu xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh, đã chú trọng đến chất lượng, nội dung, thể thức của các dự thảo văn bản QPPL. Tuy nhiên, quá trình xây dựng văn bản QPPL vẫn thường mắc phải một số sai sót, cụ thể như sau: 

 

          - Sai về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quá trình thẩm định cho thấy, một số cơ quan tham mưu, khi xây dựng dự thảo, không chú ý đến thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định thì HĐND, UBND tỉnh chỉ ban hành văn bản QPPL trong phạm vi thuộc thẩm quyền theo quy định tại điều 27, 28  Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Điều 19, điều 21 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các nội dung được giao quy định chi tiết trong các luật chuyên ngành và văn bản hướng dẫn, do đó một số nội dung không thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh như quy định nêu trên mà cơ quan soạn thảo vẫn đưa vào dự thảo trình ban hành là trái thẩm quyền. Ví dụ như khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư quy định: “ Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh” nhưng trong dự thảo của UBND tỉnh lại đặt ra quy định như: cơ sở kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm phải đặt cách xa khu dân cư 300m, tường rào cao 5m….Mặc dù theo quy định của Luật Đầu tư đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ do các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên quy định, còn trong văn bản của UBND tỉnh thì không được đặt ra quy định này.

 

          - Sai sót về hiệu lực đối với văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định tại điều 151 Luật ban hành văn bản QPPL thì thời điểm có hiệu lực của Hội đồng nhân dân; Ủy ban nhân dân cấp tỉnhvăn bản quy phạm pháp luật là không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành. Tuy nhiên, nhiều khi cơ quan soạn thảo không thực hiện đúng theo quy định này, có trường hợp quy định hiệu lực từ ngày ký ban hành, một số khác thì quy định hiệu lực trở về trước, ví dụ ngày ký ban hành là ngày 20/01/2019 nhưng cơ quan soạn thảo muốn thời điểm áp dụng từ đầu năm nên quy định hiệu lực của văn bản là từ ngày 01/01/2019. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ cho phép luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân, còn văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh không được quy định hiệu lực trở về trước.

 

          - Không quy định về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của văn bản.Ở góc độ lý luận thì phạm vi điều chỉnh của văn bản là việc người soạn thảo giới hạn sự tác động của văn bản lên các quan hệ xã hội. Ngay từ trước khi soạn thảo văn bản, người soạn thảo đã phải xác định rõ: văn bản được ban hành để điều chỉnh những loại quan hệ xã hội nào. Còn đối tượng áp dụng văn bản là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp dụng văn bản đó sau khi được ban hành. Thực tế một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không có đối tượng và phạm vi điều chỉnh của văn bản mà theo quy định thì một trong những nội dung của thẩm định là đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo nên quá trình thẩm định, phát hiện thiếu sót, Sở Tư pháp phải đề nghị các đơn vị bổ sung nội dung này trong báo cáo thẩm định.

 

          - Đưa nhiều nội dung không liên quan vào trong văn bản. Khi xây dựng dự thảo văn bản QPPL thì một trong những yêu cầu bắt buộc là cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ thẩm quyền ban hành văn bản, phạm vi và đối tượng điều chỉnh để định hướng được những nội dung cần xây dựng trong dự thảo, tuy nhiên, thực tế một số cơ quan, đơn vị không chuẩn bị kỹ muốn đưa tất cả các nội dung vào trong dự thảo, vì cho rằng nội dung nào cũng thấy quan trọng, như vậy sẽ không đảm bảo được tính thống nhất, khả thi của dự thảo. Ví dụ: dự thảo Quy định về quản lý và phát triển chợ, đưa nội dung không liên quan như điều kiện đối với đơn vị kinh doanh khai thác và quản lý chợ, quy định chung trong triển khai dự án đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp, cải tạo chợ trên địa bàn…

 

          Trên đây là một số lỗi thường gặp khi khi xây dựng dự thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh, cán bộ làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần chú ý để đảm bảo thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai nhiệm vụ./.

 

Hải Giang

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN