Một số nguyên tắc khi xây dựng văn bản QPPL

          Thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, các văn bản được xây dựng cơ bản bản đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định, đặc biệt là việc tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản, cũng như chuyển đến Sở Tư pháp thẩm định trước khi ban hành. Vì vậy, công tác này đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Để công tác này đi vào chiều sâu, có chất lượng, cơ quan soạn thảo văn bản cần đảm bảo các nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định tại Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chú trọng một số nguyên tắc sau:

          Thứ nhất là bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

          Theo đó, tính hợp hiến được hiểu là mọi văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành phải phù hợp với Hiến pháp, các nội dung quy định trong văn bản quy phạm pháp luật không được trái với các quy định cụ thể của Hiến pháp. Đối với địa phương, mặc dù các Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND các cấp chủ yếu là thể chế hóa quy định của Luật, Nghị định, Thông tư để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trên địa bàn, trong khi đó Hiến pháp là đạo luật quy định những vấn đề chung, cơ bản, quan trọng của đất nước, do đó phần lớn các văn bản quy phạm pháp luật do các cấp ban hành thường không có nội dung liên quan trực tiếp đến Hiến pháp. Tuy nhiên, một số nội dung Chương II của Hiến pháp có liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân, vì vậy quá trình xây dựng văn bản QPPL cần chú ý vấn đề này, tránh trường hợp nội dung của Nghị quyết, Quyết định có những quy định như về các hành vi bị cấm, không được phép thực hiện là hạn chế các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp.

          Về nguyên tắc đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật có nghĩa là tính hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật cần phải bảo đảm tuân thủ thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật. Ở địa phương văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phải phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan và người có thẩm quyền ở trung ương như luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, các nghị quyết liên tịch, thông tư liên tịch,...và các văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp trên, nếu là văn bản của Ủy ban nhân dân còn phải phù hợp với văn bản của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Ngoài ra, còn phải đối chiếu với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia khi ban hành các văn bản QPPL để đảm bảo cho các văn bản QPPL không trái với các cam  kết quốc tế đó, đồng thời nội dung của văn bản phải thống nhất, không mâu thuẫn, chồng chéo nhau.

          Thứ hai là tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

            Về thẩm quyền ban hành văn bản, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật Điều 27 thì HĐND tỉnh ban hành văn băn bản QPPL để quy định về các nội dung: 1) Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; 2) Chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; 3) Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; 4) Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điều 28 thì UBND tỉnh được ban hành văn bản để quy định về các nội dung: 1) Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; 2) Biện pháp thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; 3) Biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương. Do đó, cơ quan soạn thảo cần căn cứ quy định này nhằm tránh trường hợp tham mưu ban hành văn bản trái thẩm quyền.

          Về hình thức, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì HĐND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hình thức Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức Quyết định (đây là điểm mới của Luật 2015 so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND, theo đó đã bỏ hình thức Chỉ thị quy phạm pháp luật của UBND tỉnh).

          Đồng thời, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương đến địa phương. Theo đó, đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh thì Luật cũng quy định quy trình này tại Chương VIII và Chương IX. Do đó cần nghiên cứu kỹ quy định này để đảm bảo thực hiện nghiêm túc nguyên tắc này khi xây dựng văn bản QPPL.

          Thứ ba là bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

          Điều này cũng có nghĩa là các quy định trong văn bản QPPL phải có sự rõ ràng ý đồ điều chỉnh pháp luật và những tác động mà văn bản pháp luật có thể mang lại cho xã hội. Vì vậy, đảm bảo tính minh bạch trong các quy định của văn bản QPPL không chỉ là vấn đề câu chữ mà còn phải được thể hiện ở nội dung quy định của văn bản để đảm bảo cho văn bản khi được ban hành thì cơ quan ban hành văn bản, tổ chức, cá nhân chịu sự tác động của văn bản hiểu được những hàm ý, ý nghĩa của quy định để tổ chức thực hiện. Do đó, để đảm bảo nguyên tắc này, trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là khâu tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản phải được thực hiện một cách thực chất. Thông qua hoạt động này, đối tượng áp dụng đưa ra các ý kiến góp ý, phản biện về các nội dung của văn bản. Ngoài ra, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có quy định mới về lập đề nghị xây dựng nghị quyết, trong đó có nội dung về đánh giá tác động chính sách. Do đó, thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động chính sách trên các lĩnh vực: về kinh tế, về xã hội, về giới của chính sách (nếu có), thủ tục hành chính (nếu có) và đối với hệ thống pháp luật sẽ đảm bảo được nguyên tắc minh bạch trong việc ban hành văn bản QPPL.

          Thứ tư là bảo đảm tính khả thi trong văn bản quy phạm pháp luật

          Tính khả thi thường được đánh giá ở sự phù hợp giữa nội dung văn bản với các điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại. Khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, người soạn thảo cần nắm bắt tình hình kinh tế xã hội để dự liệu các nội dung cần đưa vào dự thảo, tránh trường hợp ban hành văn bản không thể áp dụng vào trong cuộc sống. Thực tế trong thời gian qua, nhiều chính sách của tỉnh ban hành nhưng thời gian áp dụng chỉ được 1 đến 2 năm,  có những văn bản mới ban hành đã phải sửa đổi, hay một số nội dung mang tính chủ trương, “khẩu hiệu”, thậm chí không có đối tượng áp dụng trong thực tiễn gây khó khăn trong việc áp dụng một cách thống nhất. Điều này cũng xuất phát từ việc không đánh giá được hết tình hình thực tiễn. Do vậy, yêu cầu đặt ra là văn bản pháp luật phải vừa phản ánh được những quy định chung về sự phát triển của xã hội, vừa phản ánh được những quy luật mang tính đặc thù trong từng giai đoạn, lĩnh vực.

          Trên đây là một số nguyên tắc cơ bản trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quá trình soạn thảo cần chú ý nhằm góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật./.

                                                                                                                      Hải Giang

 TIN TỨC LIÊN QUAN